Môn sử sẽ khiến học sinh (HS) rất chán nếu chỉ bám chặt vào sách giáo khoa, chỉ bắt HS cắm cúi ghi chép những điều mà chính giáo viên dạy sử cũng không hiểu biết tường tận. Lịch sử là môn khoa học xã hội vào loại khó chứ không hề dễ. Nhưng nếu thầy cô giáo dạy sử tự trang bị cho mình kiến thức khá phong phú về môn học này, luôn cập nhật những diễn biến của lịch sử, từ VN tới thế giới, và truyền đạt cho HS những kiến thức còn “nóng hôi hổi” thì môn sử sẽ thu hút được HS. Luôn cập nhật, liên hệ với thực tại, biết rút những bài học từ lịch sử xa xưa tới kề cận, luôn tìm được những câu chuyện hấp dẫn từ lịch sử để kể lại cho HS thì HS sẽ thấy môn này hấp dẫn.
Đưa học sinh tham quan Văn Miếu cũng là một cách dạy học lịch sử |
NGỌC THẮNG |
Tôi nhớ, ngày còn nhỏ, hai môn học có vẻ “khô” là địa lý và lịch sử nhưng khi thầy dạy là người am hiểu, cảm thấy thú vị, muốn tìm những điều hấp dẫn ở hai môn này thì HS rất vui khi học.
Không ai nói toán học là môn “mướt mát” cả nhưng nếu thầy cô biết dạy, toán học lại trở thành môn học tuy khó nhưng đầy hấp dẫn, vì nó thách thức trí tò mò, khát khao hiểu biết và sáng tạo của HS.
Môn lịch sử cũng vậy. Ngay khi thầy cô giáo dạy về những trận thắng quân xâm lược Tàu trong quá khứ của ông cha ta, nếu họ biết liên hệ với cuộc chiến biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2.1979, tôi nghĩ HS sẽ rất háo hức, rất tự hào khi học những giai đoạn lịch sử này.
Hay khi giảng dạy về những giai đoạn lịch sử cách mạng VN thời hiện đại, từ trước năm 1945 trở về sau, nhất là dạy về cuộc đời hoạt động yêu nước của Bác Hồ và những nhân vật lịch sử tầm cỡ của VN như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh… mà thầy cô giáo chịu khó sưu tầm thêm tài liệu bên ngoài sách giáo khoa, kể lại lôi cuốn HS, thì không lý gì HS không thích thú và có cảm xúc. Dạy sử hay học sử đều rất cần cảm xúc. Nếu dạy về cách mạng VN thời cận đại và hiện đại, thầy cô giáo kể lại nhiều câu chuyện về quá trình tìm đường cứu nước của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, và đặc biệt là Nguyễn Ái Quốc, những câu chuyện vừa xúc động vừa hấp dẫn, thậm chí ly kỳ, thì làm sao HS không yêu môn sử cho được?
Còn nếu chỉ bám chặt vào sách giáo khoa, bài giảng không có một chút mở rộng hay làm cho sâu sắc thêm, lại cứ đều đều một giọng khô khan, thì thật khó để HS yêu thích môn sử.
Nhà trường phải có trách nhiệm với môn lịch sử, nhất là với VN, lịch sử hàng nghìn năm là một chuỗi những tranh đấu chống ngoại xâm, những bản hùng ca và bi ca tiếp nối, những hy sinh không thể nào tính hết.
Bình luận (0)