Việc Ả Rập Xê Út và Iraq thỏa thuận thành lập hội đồng hợp tác được Mỹ coi là bước tiến mới trong ý đồ tập hợp lực lượng ở khu vực vùng Vịnh nhằm đối phó Iran và cô lập nước này.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi thăm Ả Rập Xê Út cũng đã tuyên cáo thành lập liên minh mới chống khủng bố, chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Iran. Ngoài ra, Ả Rập Xê Út với mối thâm thù lâu năm với Iran cũng đã không ít lần tập hợp lực lượng, thành lập liên minh, tăng cường liên kết để đối địch Iran.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cảnh báo nguy cơ chiến tranh nếu nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Xem ra, việc tập hợp lực lượng hay thành lập liên minh như thế không khó khăn gì. Chỉ có điều là chúng đều không có thực chất cho tới nay. Bằng chứng mới nhất là chỉ ngay sau khi thỏa thuận nói trên được ký kết với sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, phía Iraq đã bác bỏ ngay yêu cầu của Mỹ về việc đuổi hết lực lượng vũ trang của Iran ra khỏi Iraq. Bằng chứng thuyết phục khác là mối quan hệ của Iraq với Iran tiếp tục phát triển trong khi quan hệ của Ả Rập Xê Út với Iran đã bắt đầu tan băng, bớt giá.
Nguyên cớ ở chỗ cả Ả Rập Xê Út lẫn Iraq đều vừa phải dựa cậy vào Mỹ vừa cần có quan hệ ít nhất thì cũng bình thường về lâu dài với Iran. Mỹ ở xa trong khi Iran là láng giềng của họ và vai trò cũng như ảnh hưởng của Iran ở khu vực và trong thế giới Hồi giáo là không thể phủ nhận. Họ phải sử dụng con bài chống Iran để tranh thủ Mỹ nhưng ý thức được rằng những chuyện trong khu vực và thế giới Hồi giáo đều không thể giải quyết được bằng cách chống Iran. Cho nên những kiểu tập hợp lực lượng nói trên chỉ hữu danh vô thực về lâu dài.
Bình luận (0)