Để khán giả trẻ song hành cùng sân khấu

12/09/2020 07:00 GMT+7

Có câu: 'Khách hàng là thượng đế', tuy nhiên khách hàng của sân khấu lại là một đối tượng khá đặc biệt, và có khi cần phải được 'đào tạo' thì mới thưởng thức được đầy đủ hương vị các món ngon nghệ thuật .

Đạo diễn Nguyên Đạt đang sửa chữa lầu 1 của Hội Sân khấu TP.HCM để biến nó thành sân khấu cải lương thể nghiệm của riêng mình, trong đó có cả chương trình đào tạo khán giả trẻ mà anh phụ trách với vai trò là Trưởng ban Đào tạo của Hội Sân khấu TP.HCM nhiệm kỳ mới. Anh nói: “Tôi sẽ dựng những vở ngắn khoảng 60 phút và hợp đồng với các trường học, giá thật rẻ. Các học sinh, sinh viên ít tiếp cận cải lương, mình không thể bắt xem quá dài, mà chỉ từng giọt từng giọt thôi cho thấm dần. Ngoài ra, em nào thích học ca, học đàn, học diễn cải lương chúng tôi cũng mở lớp để hỗ trợ các em”.
Dự án của đạo diễn Nguyên Đạt được nhiều nghệ sĩ ủng hộ. Sự thiếu vắng người trẻ ở hàng ghế khán giả các buổi công diễn tác phẩm sân khấu thuộc loại hình truyền thống đang là vấn đề khiến người làm nghề lo lắng.

Mưa dầm mới thấm

Nhớ ngày xưa, hát đình rộn vang mỗi làng mỗi xóm, trẻ em vô coi hát đã đời, rồi được ăn cơm, xôi, thịt trong đình, vui như đi dự festival. Bên cạnh đó, radio thì phát thanh các tuồng cải lương mỗi buổi trưa, buổi tối, cả xóm đều nghe, nghe riết rồi thấm vô đầu, vô máu lúc nào không hay. Cuối tuần, cả xóm lại xúm quanh cái ti vi mà xem cải lương, đúng giờ vàng, toàn nghệ sĩ “vàng” như Thanh Sang, Thanh Tuấn, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy... Sau này thì băng video làm mưa làm gió với một thế hệ cũng vàng son như Vũ Linh, Tài Linh, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Phượng Hằng, Kim Tử Long...

Bây giờ rất ít người trẻ có thể xem nổi các vở chính kịch hay kịch nước ngoài nặng ký như khán giả thập niên 80, 90 của thế kỷ 20, mà đa số thích xem vở nhẹ nhàng, 
sinh hoạt, không chịu khó lắng nghe những câu thoại hay, sâu sắc

NSND Trần Minh Ngọc

Nhắc lại không gian ấy để thấy rằng khán giả được nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật truyền thống không phải ngày một ngày hai, mà phải lâu rất lâu, tỏa khắp môi trường, cả con người phải thấm đẫm trong vùng văn hóa đó. Còn bây giờ lớp trẻ bị game show “bao vây”, lâu lâu mới nghe hoặc xem được cải lương, kịch nói, bảo làm sao họ thấm. Thật sự các em cũng “biết” hát bội và cải lương là vốn quý của dân tộc, nhưng không thích vì không cảm được cái hay của nó. Chính vì vậy, phải đào tạo để các em có đủ kiến thức và rung cảm. Theo tác giả Vương Huyền Cơ, đã đến lúc phải tập cho các bạn trẻ tiếp cận với sân khấu từ ghế nhà trường, không thể trễ hơn nữa. “Cái gì cũng có thói quen, nếu tập dần từ sớm và tập thường xuyên. Nên cho các em nhỏ xem cải lương như một kiểu học ngoại khóa trong trường, hoặc tổ chức cho khán giả trẻ xem các vở chính kịch”.
NSƯT Phượng Loan lưu ý rằng vừa qua cũng có một số chương trình Sân khấu học đường bổ ích đã được đưa đến với giới trẻ, tuy nhiên ở một số chương trình cách chọn tiết mục chưa hợp lý. 
“Vô trường tiểu học hoặc trung học cơ sở mà hát trích đoạn thảm sầu, chẳng hạn như Đêm lạnh chùa hoang, thì các em làm sao hiểu được, cảm được. Theo tôi, hát về lịch sử nước mình là tốt nhất, phù hợp với mọi lứa tuổi, lại giúp các em hiểu và yêu sử nước nhà”.
Ngay cả với kịch nói - thể loại mà ai cũng nghĩ cứ xem là hiểu được, thì NSND Trần Minh Ngọc cho rằng vẫn cần đào tạo khán giả. “Bây giờ rất ít người trẻ có thể xem nổi các vở chính kịch hay kịch nước ngoài nặng ký như khán giả thập niên 80, 90 của thế kỷ 20, mà đa số thích xem vở nhẹ nhàng, sinh hoạt, không chịu khó lắng nghe những câu thoại hay, sâu sắc”, NSND Trần Minh Ngọc nói.
Theo NSND Trần Minh Ngọc, nhà nước nên đầu tư cho các đơn vị dựng lại các tác phẩm sân khấu kinh điển rồi mời các bạn trẻ đi xem miễn phí hoặc giá vé thật mềm. Nếu đơn vị xã hội hóa đầu tư dàn dựng thì nhà nước "mua dàn" (trả tiền vé cho nguyên suất diễn) để sinh viên, học sinh vào xem. Có như vậy, chúng ta mới có thế hệ khán giả tương lai lý tưởng, bằng không, chính sân khấu sẽ chết vì không còn khán giả, hoặc chỉ còn khán giả dễ dãi mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.