Với ý nghĩa, tầm quan trọng tác động đến mọi mặt của đời sống KT-XH, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, việc sửa luật Đất đai được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những tiêu cực đã được chỉ ra, nhằm khơi thông, giải phóng nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.
Một điểm mới căn bản của luật Đất đai sửa đổi lần này là bổ sung các quy định nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận đất đai của các tổ chức, cá nhân khi quy định theo hướng nhà nước giao đất chủ yếu qua đấu giá, đấu thầu, hạn chế và quy định chặt chẽ việc giao đất trực tiếp. Đây được coi là giải pháp để thực hiện điều tiết chênh lệch địa tô, vốn là nguồn cơn phát sinh những bất công, mâu thuẫn đất đai trong thời gian qua.
Để thực hiện giao đất thông qua đấu giá, đấu thầu, việc nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vẫn tiếp tục được quy định, song theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn; khắc phục tình trạng "chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân". Theo đó, luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua quy định cụ thể các trường hợp nhà nước sẽ thu hồi đất, bao gồm cả nhà ở thương mại. Song, luật cũng quy định chỉ thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Để đảm bảo lợi ích của người dân, luật đã bổ sung nhiều quy định để đảm bảo khi nhà nước thu hồi đất, người dân sẽ có chỗ ở, chỗ sản xuất, được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm; đảm bảo ổn định được cuộc sống, nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Theo đó, người dân được tham gia ở các giai đoạn của quá trình thu hồi đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất. Giá đất để bồi thường về đất cũng phải đảm bảo nguyên tắc thị trường…
Đương nhiên, để các quy định của luật có thể đi vào cuộc sống thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Luật Đất đai gồm 260 điều, trong đó có 65 điều giao Chính phủ quy định chi tiết. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường thứ 5 đã đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền.
Chính phủ, Quốc hội đã dành tới 4 kỳ họp để xem xét, thảo luận, 12 triệu ý kiến góp ý của nhân dân đã được tiếp thu để hoàn thiện đạo luật rất quan trọng này. Người dân hiện đang chờ đợi đạo luật sớm được triển khai thực hiện, nhanh chóng được đưa vào cuộc sống để có thể sớm đạt mục tiêu khơi thông, giải phóng nguồn lực đất đai như kỳ vọng.
Bình luận (0)