Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 13.4, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng GD-ĐT H.Minh Hóa (Quảng Bình), cho biết đơn vị sẽ yêu cầu rà soát lại quá trình dạy học cũng như báo cáo kết quả học tập, trách nhiệm của các giáo viên (GV) giảng dạy ở cấp tiểu học liên quan đến vụ việc học sinh (HS) học lớp 6 nhưng chỉ viết được tên mình. "Tôi đã báo cáo vụ việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa và sẽ có các chỉ đạo rà soát, báo cáo lại kết quả học tập, làm rõ trách nhiệm của các GV liên quan đến công tác giảng dạy HS này ở cấp tiểu học", ông Thọ nói.
Hiện tại, HS nói trên vẫn đang theo học chương trình lớp 6 của Trường THCS Hồng Hóa. Bà Đinh Thị Mai Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Hóa, cho biết sẽ phối hợp với GV tiểu học để dạy phụ đạo cho em.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, trước đó trong giờ kiểm tra môn giáo dục công dân tại lớp 6B (Trường THCS Hồng Hóa), GV Đinh Thị Hồng Hoa bất ngờ phát hiện trên bài kiểm tra của một HS có ghi dòng chữ "chép nhanh để về". GV sau đó đã hỏi HS vì sao lại ghi dòng chữ trên thì em thừa nhận nhìn lại bài của bạn để chép chứ... không hiểu nghĩa. Cô Hoa kiểm tra các kỹ năng đọc, viết của HS này và phát hiện khả năng đọc, viết của em rất kém, không hiểu các câu chữ, chỉ biết viết tên của mình.
Căn bệnh thành tích
Bình luận về sự việc, bạn đọc (BĐ) Trung Quang bức xúc: "Chuyện HS lên lớp 6 mà không biết đọc, viết... từng xảy ra nhiều năm trước rồi. Không ngờ chuyện đấy vẫn còn tiếp diễn. Khi nào mới chấm dứt căn bệnh thành tích?". BĐ Quynhingan thì cho rằng: "Thật hết biết! Thành tích ơi là thành tích, cần kiểm điểm nghiêm khắc với các GV tiểu học dạy em HS này".
Cùng quan điểm, BĐ Trần Văn Tám bày tỏ: "Đồng ý với tác giả bài báo. Theo tôi trách nhiệm chính là ông hiệu trưởng trường tiểu học xem thường công tác coi và chấm kiểm tra định kỳ trong năm học. HS hổng kiến thức mà năm học nào cũng được lên lớp!".
"Bệnh thành tích có từ lâu rồi và sẽ còn dài dài nếu người ta vẫn thích lừa dối nhau. Thế mới biết, ở lại lớp mới khó, còn lên lớp thì dễ ẹc. Cả một hành trình 5 năm tiểu học mà HS này đều "vượt chướng ngại vật" được, mãi đến khi lên lớp 6 chuyện mới vỡ lở, vì sao? GV tiểu học nào cho em này lên lớp hãy nói gì đi chứ?", BĐ Tien Minh Van bức xúc.
Thà học lại, còn hơn ngồi nhầm lớp
Gửi ý kiến cho Thanh Niên, BĐ Châu An, cũng là một GV, viết: "… Là những người thầy, chúng tôi cũng mong muốn học trò mình tiến bộ, nhưng sự tiến bộ ấy phải xuất phát từ sự nỗ lực của chính HS, không phải nhờ vào những "chiếc phao" nào cả. Chúng tôi không biết "vâng lời" nên thành tích của trường bị ảnh hưởng nhưng đổi lại chúng tôi tạo được sự tin tưởng và đồng thuận của GV, phụ huynh HS trong công tác quản lý chuyên môn. Có một "nỗi khổ" mang tên thành tích mà ngay cả những người quản lý như chúng tôi cũng phải băn khoăn chứ không riêng gì GV đang giảng dạy".
Chia sẻ của Châu An được nhiều BĐ cảm thông. BĐ Binh Ta cho rằng: "Phải chăng nếu HS bị ở lại lớp là không được, vì GV đó sẽ bị hạ thi đua? Vậy nên hãy cho phép GV cho HS học lại nếu không đạt tiêu chuẩn, và GV không bị đánh vào thi đua". BĐ Nguyễn Đước cũng chia sẻ: "Từ câu chuyện trên, tôi nghĩ nếu nhà trường, thầy cô kiên quyết nói "không" với bệnh thành tích, chia sẻ chân tình với phụ huynh về học lực của học trò, mạnh dạn cho HS ở lại lớp để học tốt hơn thì sẽ không còn những câu chuyện học đến lớp 5, 6 nhưng không biết đọc; chưa viết thành thạo; không biết làm toán cộng, trừ, nhân, chia cơ bản".
BĐ Khac Hieu cũng cho rằng: "Thà cho các em không đủ tiêu chuẩn phải học lại, còn hơn cho lên lớp, để rồi các em ngồi nhầm lớp. Nhầm lớp rồi kiểu gì cũng bị phát hiện, rồi hoặc phải xuống lớp hoặc phải nghỉ học. Tình trạng này còn đau lòng hơn là ở lại lớp. GV hãy dũng cảm đối diện với sự thật, và nói thật lòng cho phụ huynh, HS hiểu, để các em học lại. Không có chuyện gì mà giấu hay dối mãi được!".
Trong khi đó, BĐ Thanhtruyen Tran nêu một trường hợp buồn lòng: "Tôi thì thấy tội nghiệp nhất là các em HS rơi vào trường hợp mất căn bản, không hiểu bài mà cứ phải đến lớp, rồi bị thầy cô la rầy, dần dần thành ra tự kỷ, ít nói và muốn nghỉ học. Một kỷ niệm buồn thời đi học".
Bình luận (0)