Nếu du khách có điện thoại thông minh với ứng dụng bản đồ, định vị để cảnh giác đối với những tài xế chạy bừa, thì một số tài xế lại "chặt chém" bằng cách thu quá mức cước ra vào sân bay, thu phí đậu đỗ trái quy định. Như trường hợp vừa được cơ quan chức năng phát hiện mới đây tại khu vực sân bay Đà Nẵng, một tài xế dùng vé đậu đỗ giả để ép nữ du khách nước ngoài phải trả 350.000 đồng tiền xe đậu đỗ 76 phút.
Để xây dựng hình ảnh một VN thân thiện, hiếu khách, chúng ta đã phải đầu tư rất lớn. Vì thế, những "sứ giả" xấu xí, như tài xế xe dù nêu trên, đã phá hoại không ít những nỗ lực của cả cộng đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế nạn "chặt chém", ngoài tài xế taxi có đồng phục, thì hiện nay đội ngũ tài xế ô tô công nghệ ăn mặc khá lộn xộn, vì vậy, tại các khu vực du lịch như sân bay, nhà ga, bến xe cần có quy định đồng phục cho các "sứ giả" du lịch này. Đồng phục, thẻ đeo không chỉ là hình ảnh chuyên nghiệp, lịch sự, mà còn góp phần nhận diện, phòng ngừa một cách hiệu quả nạn "chặt chém".
Các vụ "chặt chém" hoàn toàn có thể xử lý hình sự về hành vi lừa đảo, công nhiên chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên từ trước đến nay chưa có "con sâu làm rầu nồi canh" nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, cơ quan tố tụng cần mạnh dạn xử lý hình sự một số vụ việc tiêu biểu nhằm răn đe...
Tôi nhớ, trước đây tại một số chợ lớn ở trung tâm TP.Đà Nẵng từng dán ảnh những người móc túi trước cổng chợ để cảnh báo (nay đã bỏ). Đành rằng không nên triệt đường mưu sinh của những tài xế phục thiện, nhưng ở những khu vực trọng điểm du lịch cũng cần công khai "danh sách đen" tài xế, phương tiện "chặt chém" để du khách tra cứu, cảnh giác?
Bình luận (0)