Để không thất nghiệp sau tốt nghiệp: Chuyện 'cơm áo' của những 'khách thơ'

14/11/2016 11:09 GMT+7

Ai cũng có ước mơ của riêng mình, nhưng không phải ai cũng có đủ niềm đam mê, sự kiên trì, quyết tâm để biến ước mơ đó thành sự thực. Và lần này là chuyện của những người theo đuổi văn chương, thứ nghệ thuật đầy lãng mạn giữa thực dụng, khô cằn.

Văn chương hiện tại giống như một con đường ngược hướng với những nghề nghiệp trào lưu nổi đình nổi đám, nên những người thật sự đam mê văn chương rất khó kiếm được một công việc mà mình ưng ý. Như Nguyễn Tuấn Trung (bút danh Du Phong), cậu từng mong muốn trở thành nhà văn từ khi còn ngồi ghế nhà trường, phải chật vật để có được vị thế trong lòng độc giả, và đi một chặng đường rất dài để có được thành công hiện nay.
Là một sinh viên ngành Ngoại ngữ, Du Phong luôn dằn ước mơ trở thành nhà văn của mình trong mỗi hành trình của cậu. 4 năm học đại học, chưa bao giờ đam mê văn chương trong Du Phong bớt đi, mà ngày càng nhen nhóm trở nên to lớn hơn.
Khi sắp tốt nghiệp ra trường, cậu bạn đã khẳng định rằng mình phải đi liền 2 con đường tách biệt, một cho cơm áo gạo tiền, một cho đam mê phía trước. Dù hơi phũ phàng, nhưng trở thành nhà văn trong thời điểm hiện tại là một điều cực kỳ khó, sống với nó lại là một ý định khó trở thành hiện thực hơn. Cậu bạn tự nhủ, sẽ không để những khó khăn vật chất ngăn cản việc theo đuổi ước mơ mà mình hằng ấp ủ.
Đam mê phải đi cùng kế hoạch và bắt tay vào hiện thực hóa, chứ không được theo kèm ao ước và hối tiếc vì mọi thứ mãi chỉ nằm trong dự định.Xác định rõ điều này, cậu bạn hoàn thành quá trình học đại học với tấm bằng Ngoại ngữ trên tay, sẵn sàng kiếm sống với sở trường của mình, và củng cố cho “giấc mơ nhà văn” của bản thân được mạnh mẽ hơn.
Để không thất nghiệp sau tốt nghiệp: Câu chuyện “cơm áo” của những người mê văn chương 2
Cái tên Du Phong giờ đây không chỉ là một phiên dịch viên cho một công ty nước ngoài, mà còn là một nhà văn trẻ có sức thu hút đặc biệt với độc giả thuộc đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi. Cậu bạn trở thành một người viết dùng những tác phẩm của mình để mang lại sự đồng cảm, thấu hiểu nơi người đọc; đồng thời, truyền cảm hứng cho mọi người, nhất là các bạn trẻ có thể tự tin theo đuổi đam mê văn học của mình tới cùng.
Du Phong tâm sự: "Có nhiều bạn trò chuyện với mình rằng họ rất yêu thích văn học, muốn trở thành nhà văn, nhưng bố mẹ, gia đình không đồng ý, vậy là họ phải ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ để làm theo ý nguyện của người khác. Mình chỉ muốn nhắn nhủ, hãy cứ tự tin theo đuổi những gì bạn nghĩ là tốt nhất cho mình, và đừng bao giờ từ bỏ đam mê. Thành công sẽ đến vào một ngày mà bạn có thể chờ đợi được!”.
Để không thất nghiệp sau tốt nghiệp: Câu chuyện “cơm áo” của những người mê văn chương 3
Giữa đam mê và hiện thực đôi khi cũng có những điểm không tương đồng. Nhiều người cho rằng để trở thành nhà văn, nhà thơ, ca sĩ,… trong đương thời là “vớ vẩn, không thực tế”. Hãy chứng minh rằng họ sai bằng cách bạn phải hạnh phúc với tương lai của bạn.
Tất nhiên người lớn có cái lý của họ, rằng “cơm áo không đùa với khách thơ” cũng đúng một phần nào đó. Không nhiều những nhà văn sống được nhờ vào ngòi bút của mình, nên lời khuyên từ những người đi trước cũng đáng để bạn bận tâm. Nhưng một khi đã chuẩn bị một tâm thế vững vàng, đừng chùn bước, nếu một ngày bạn không thể trở thành nhà văn, ít ra bạn cũng được sống trong đam mê văn học. Chỉ cần dám yêu và dám sống vì một tình yêu nào đó, bạn sẽ không phải hối hận vì đã không trọn vẹn hết mình. Hãy chăm chỉ viết khi cả bạn chưa cầm trên tay tấm bằng đại học.
Và nếu bạn đam mê văn chương, hãy nhớ những điều sau đây từ Du Phong:
- Đừng nói suông! Hãy thể hiện niềm đam mê của mình bằng cách đọc thật nhiều, viết thật nhiều. Cảm giác được thỏa thuê vẫy vùng trong câu chữ không phải ai cũng có thể cảm nhận được.
- Bạn vừa có thể thỏa mãn đam mê vừa có thể kiếm thêm thu nhập bằng ngòi bút của mình, qua việc cộng tác với một số tờ báo, thử viết kịch bản radio, viết thơ, truyện… hãy làm điều này ngay khi còn đang trên ghế giảng đường.
- Lựa một ngành có xu hướng tương đương với văn chương (ví dụ như mình chọn phiên dịch viên) để trở thành công việc hiện tại và kiếm được tiền nuôi sống bản thân, gia đình.
- Sau khi tốt nghiệp, hãy nắm lấy tất cả các cơ hội mà bạn có được. Bên cạnh đó cũng học hỏi những người đi trước để có những ấn phẩm đầu tay.
- Đừng bao giờ nản chí! Thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng. Theo đuổi con đường văn học là một sự lựa chọn đầy can đảm, vậy thì hãy chứng minh bạn đủ kiên định để ở lại với niềm đam mê của mình tới cuối cùng.
Bạn là sinh viên chuẩn bị ra trường hay đã tốt nghiệp? Bạn đã có việc làm hay vẫn đang tìm việc? Bạn đang loay hoay với những khó khăn gì? Bạn có những 'độc chiêu' xin việc muốn chia sẻ?
Hãy kể câu chuyện và kinh nghiệm của bạn với chúng tôi. Xin email về địa chỉ: [email protected] với Tiêu đề: [GIỚI TRẺ] [KHÔNG THẤT NGHIỆP SAU TỐT NGHIỆP] Bài viết trong khoảng 500 - 800 chữ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.