Để không thất nghiệp sau tốt nghiệp: Nhà tuyển dụng thật sự cần gì?

29/07/2016 14:05 GMT+7

Để chia sẻ về việc nhiều sinh viên cảm thấy áp lực khi sắp tốt nghiệp, chúng tôi đã tìm đến giám đốc của một công ty tại TP.HCM để tìm những lời khuyên cho các bạn trẻ đang lo lắng trên đường tìm việc.

Chị Thanh Giang (Jenni Nguyen), giám đốc của một công ty chuyên về quảng cáo và thiết kế ở quận Phú Nhuận (TPHCM), người đã theo dõi loạt bài để không thất nghiệp sau tốt nghiệp trên Thanh Niên, đã gửi cho chúng tôi nhiều ý kiến, giúp các bạn sinh viên chủ động hơn trong việc định hướng tương lai của mình.
Chị Thanh Giang cho hay, bản thân chị trước đây là sinh viên ngành Tài chính Nhà nước của trường Đại học Kinh tế TPHCM, chị cũng đã trải qua một quá trình dài hoang mang không biết phải làm gì khi gần ngày tốt nghiệp. Nhưng với sự táo bạo, dám nghĩ dám làm, sau một thời gian chị đã xây dựng thành công công ty chuyên về quảng cáo và truyền thông, với vai trò là giám đốc, người sáng lập.
Hãy đi thử việc trong thời gian làm sinh viên. Tuy nhiên, đừng nhảy vào guồng kiếm tiền mà quên đi mục tiêu ban đầu của mình.
Theo chị, ở vị trí của nhà tuyển dụng, chị hiểu được những sinh viên sắp tốt nghiệp còn thiếu nhiều kỹ năng; tuy nhiên, không vì thế mà công ty từ chối hợp tác hoặc không tạo điều kiện để các bạn thử việc. Các bạn có lợi thế là trẻ, sự sáng tạo và tinh thần làm việc năng nổ, chăm chỉ.
Chị Thanh Giang cũng nói thêm: "Khi là sinh viên kiếm tiền cũng tùy chuyên môn hoặc hoàn cảnh gia đình. Có bạn kiếm tiền để có thêm kinh nghiệm, có bạn kiếm tiền vì gia đình khó khăn,…; tuy nhiên, ở trường hợp nào thì các bạn cũng phải làm có trách nhiệm và chăm chỉ".
"Nhiều bạn vì ham kiếm tiền quá nên bỏ đi chuyện học, quên mất nhiệm vụ chính của mình là gì, điều này cũng không tốt" Ảnh: NVCC
Nếu không tìm được việc đúng chuyên môn, đừng chần chừ, hãy làm những công việc khác hoặc tương đương. Việc ngoài xã hội khá nhiều, hãy cố gắng đừng để mọi thứ bị trì hoãn vì chờ đợi một việc đúng ý hoàn toàn.
"Nhiều bạn vì ham kiếm tiền quá nên bỏ đi chuyện học, quên mất nhiệm vụ chính của mình là gì, điều này cũng không tốt. Các bạn nên có quỹ thời gian hợp lý, cân đối giữa kiếm tiền, học hành và cả những mối quan hệ bạn bè. Chuyện kiếm tiền trên ghế giảng đường phần lớn là phụ, nếu bạn làm tốt chuyên môn, có tấm bằng đại học, bạn sẽ còn kiếm được nhiều hơn, thuận lợi hơn nữa trong giai đoạn sau này", chị Thanh Giang khuyên thêm.
Khi được hỏi về việc, nhà tuyển dụng cần sinh viên thể hiện thế nào trong buổi phỏng vấn xin việc, chị cho biết thêm, đứng ở góc độ tuyển dụng như công ty của chị, Thanh Giang cần hai thứ: ngoại hình và sự thông minh.
"Ngoại hình ở đây là chỉn chu, gọn gàng, hợp với tác phong của một người văn minh, đồng thời tạo được cái nhìn thiện cảm rất nhiều với người đối diện. Còn sự thông minh là cách xử lý tình huống, linh hoạt và tinh tế. Bạn có thể rất giỏi, nhưng cần biết, khi bạn mới bước chân vào một công ty, bạn hoàn toàn trắng trơn, buộc phải bắt đầu lại từ đầu", chị Thanh Giang giải thích.
Chúng tôi gửi trăn trở của nhiều bạn sinh viên đến chị Giang, cho rằng nhiều công ty đòi hỏi kinh nghiệm trong khi sinh viên mới ra trường khó đáp ứng được. Chị Giang cũng thẳng thắn, ở công ty nào cũng thế, mong muốn có một người giỏi, đã được minh chứng bằng quá trình làm việc, hơn là một sinh viên học giỏi, chỉ có tấm bằng tốt nghiệp làm hành trang.
Chị cho rằng trước mắt các bạn cứ làm những gì nhỏ nhặt nhất, hãy gạt bỏ đi sự chiến thắng mang tên tấm bằng cử nhân để bắt đầu lại với công việc bên ngoài. Còn nếu được, hãy làm những công việc nhẹ nhàng từ thời sinh viên, khi ra trường, bên cạnh tấm bằng có dấu mộc đỏ, bạn lại lợi thế vì có thêm kinh nghiệm đi kèm.
Các bạn cứ làm những gì nhỏ nhặt nhất, hãy gạt bỏ đi sự chiến thắng mang tên tấm bằng cử nhân để bắt đầu lại với công việc bên ngoài" Ảnh: NVCC
Chị Thanh Giang chia sẻ những điều sau với các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp đại học:
1. Hãy đi thử việc trong thời gian làm sinh viên. Tuy nhiên, đừng nhảy vào guồng kiếm tiền mà quên đi mục tiêu ban đầu của mình.
2. Chỉn chu khi đi phỏng vấn, không được giấu đi những khuyết điểm của mình, hãy thể hiện để nhà tuyển dụng biết và nếu được, họ sẽ giúp đỡ bạn cải thiện những khuyết điểm trên.
3. Nếu không tìm được việc đúng chuyên môn, đừng chần chừ, hãy làm những công việc khác hoặc tương đương. Việc ngoài xã hội khá nhiều, hãy cố gắng đừng để mọi thứ bị trì hoãn vì chờ đợi một việc đúng ý hoàn toàn.
4. Nhiều công ty đang cần các thực tập sinh để làm việc, bạn có thể sử dụng internet, mạng xã hội để có được các công việc ưng ý. Đừng chờ đợi cơ hội đến với mình, hãy học cách nắm bắt cơ hội.
Bạn là sinh viên chuẩn bị ra trường hay đã tốt nghiệp? Bạn đã có việc làm hay vẫn đang tìm việc? Bạn đang loay hoay với những khó khăn gì? Bạn có những 'độc chiêu' xin việc muốn chia sẻ?
Hãy kể câu chuyện và kinh nghiệm của bạn với chúng tôi. Xin email về địa chỉ: [email protected] với Tiêu đề: [GIỚI TRẺ] [KHÔNG THẤT NGHIỆP SAU TỐT NGHIỆP] Bài viết trong khoảng 500 - 800 chữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.