Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngữ văn là môn học đề kiểm tra có sự thay đổi đặc biệt: ngữ liệu văn bản và yêu cầu kiến thức làm bài không có trong chương trình sách giáo khoa, chưa được học trước.
Không còn câu hỏi trắc nghiệm kiến thức
Quan sát đề thi cuối kỳ 2 của các trường THPT tại TP.HCM vừa qua, có thể thấy hầu hết các tổ bộ môn ngữ văn đã chủ động bỏ hẳn phần trắc nghiệm kiến thức so với đề thi các lần trước đây. Thay đổi này là hợp lý, vì những bất cập của câu hỏi trắc nghiệm đối với môn văn, như chúng tôi đã phân tích trước đây trên Báo Thanh Niên.
Thay cho trắc nghiệm ở phần đọc hiểu là các câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời theo hình thức tự luận. Các đề thi bám sát trọng tâm chương trình học kỳ 2. Theo đó, có 2 trọng tâm mà các trường lựa chọn: văn bản truyện (đề thi của Trường THPT Linh Trung, THPT Bình Chiểu, THPT Tây Thạnh...) hoặc văn bản nghị luận (đề thi của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Gia Định, THPT Ngô Gia Tự...). Đa số các văn bản có sự lựa chọn kỹ càng, ý nghĩa và hấp dẫn với học sinh khi làm bài. Như truyện ngắn Bạn Lộc (Xuân Quỳnh), Nhà mẹ Lê (Thạch Lam), truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp... Các ngữ liệu nghị luận cũng rất thời sự, thiết thực, như văn bản về pháp luật (Giản Tư Trung), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Nguyễn Tiến Khôi), nét đẹp về nghề gốm cổ truyền (Vũ Khánh Nguyên)...
Thang điểm được chọn phổ biến là 6 điểm, tương ứng với 6 câu hỏi. Các câu hỏi phần đọc hiểu này bám sát đặc trưng thể loại của văn bản, theo mức yêu cầu từ đơn giản đến khó, từ nhận biết đến vận dụng.
Thêm nhiều điểm tích cực của đề thi lớp 10 theo chương trình mới
Với phần đọc hiểu, một điểm rất tích cực của cách ra đề mới là giúp học sinh có tri thức và kỹ năng đọc hiểu các văn bản theo từng dạng thể loại. Vì việc dạy cũng theo định hướng này, nên học sinh sẽ dễ dàng vận dụng để đọc hiểu bất cứ văn bản mới nào, dù chưa hề biết đến.
Điều này xóa bỏ bất cập tồn tại bấy lâu nay của đề thi môn văn ở THPT theo chương trình cũ là phần đọc hiểu từ lớp 10 đến 12 cứ theo một khuôn mẫu các văn bản cố định (không là văn bản thơ thì là văn bản thông tin...). Khiến học sinh cảm thấy nhàm chán, vì quá quen thuộc, các câu hỏi cứ lặp đi lặp lại (thể thơ, phương thức biểu đạt...).
Ở phần viết, cũng do bám sát chương trình trong học kỳ 2 nên cũng có các trọng tâm. Đó là kiểu bài luận khuyên người khác từ bỏ thói quen xấu (như thói quen không đọc sách, thói quen nhịn ăn sáng, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn trong học sinh...). Hoặc kiểu bài tạo lập văn bản theo phong cách nghị luận (như đề Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền: bày tỏ quan điểm của mình về niềm tin trong cuộc sống). Hoặc cảm nhận một văn bản thơ bất kỳ, chưa học.
Cách ra đề này khiến giáo viên và học sinh phải thay đổi cách dạy, cách học, chú trọng đến kỹ năng, thao tác. Khi làm bài, do học sinh được trang bị sẵn "chìa khóa"nên dễ dàng "hóa giải" các tình huống khó khăn của đề thi. Không còn cảnh "học tủ" và bị "tủ"... đè như bấy lâu nay về môn văn. Nhiều học sinh cũng thích thú khi làm bài vì đề thi mới, bất ngờ.
Tuy nhiên, do đề kiểm tra theo dạng mới nên giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy không thể tránh khỏi các hạn chế về việc lựa chọn văn bản, cách đặt câu hỏi, cách xây dựng đáp án chấm sao cho thật hợp lý...
Bình luận (0)