Để làm tốt bài thi khoa học xã hội

07/06/2018 09:02 GMT+7

Để tìm ra đáp án đúng khi làm bài thi khoa học xã hội, thí sinh không chỉ chuẩn bị kiến thức mà phải cần có kỹ năng làm bài trắc nghiệm.

Không làm môn sử ra nháp vì dễ quên chép vào phiếu
Với môn lịch sử, thạc sĩ Nguyến Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), lưu ý thí sinh (TS) cần giữ bình tĩnh trong lần đọc đề đầu tiên. Do câu hỏi được biên soạn bởi nhiều người và kiến thức dàn trải nên thực tế trong lần đọc đề đầu tiên, TS dễ mất bình tĩnh do cảm thấy không giống những gì mình đã học. Hãy nhớ đề thi chỉ có 20% câu hỏi thuộc dạng khó buộc phải dùng kiến thức của mình kết hợp với các kỹ năng so sánh, khái quát, liên tưởng để giải...
Tiếp theo, thạc sĩ Đăng Du hướng dẫn, khi đọc lại đề thì nên đánh dấu vào những câu mang tính chất nhận biết, thông hiểu. Dành 15 phút để giải quyết những câu hỏi này. Lưu ý nên viết trực tiếp vào phiếu trắc nghiệm, không làm ra nháp vì dễ quên vào cuối giờ.
Qua kinh nghiệm sau 2 năm giảng dạy môn lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm, thạc sĩ Đăng Du nhắc nhở TS cần cẩn thận với những câu hỏi có mệnh đề “KHÔNG” trong phần dẫn. Với những câu hỏi này, TS cần lưu ý đọc kỹ đề tránh chọn nhầm đáp án. Đọc kỹ các đáp án vì trong các đáp án thường sẽ có “mồi nhử” để các TS có cảm giác đúng.
Chú ý số liệu, từ khóa môn địa

Theo giáo viên Trần Văn Quang, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), trong đề thi môn địa lý thường có 4 đến 8 câu sử dụng kiến thức trong Atlat. Thời lượng trung bình để giải quyết một câu hỏi là một phút, nếu không nắm vững kỹ năng đọc tài liệu này, TS có thể mất nhiều thời gian làm bài mà vẫn sai. Do vậy, các câu Atlat nên làm sau cùng và làm cùng lúc để khỏi phải mở, đóng Atlat nhiều lần, mất thì giờ trừ khi TS đã thuộc những kiến thức có trong câu hỏi.
Bên cạnh đó, thầy Trần Văn Quang nói rằng, dù cùng nằm trong bài thi khoa học xã hội nhưng khác với môn lịch sử, địa lý có các tính toán về số liệu nên TS cần nhớ công thức và mang theo máy tính, nếu không sẽ có khó khăn.
Ngoài ra, để không bị mất điểm khi gặp những câu hỏi yêu cầu vẽ biểu đồ, thầy Quang cung cấp 5 từ khóa để TS xác định hình thái biểu đồ một cách chính xác nhất. Bài có từ “cơ cấu” hay “tỷ trọng” và dưới 3 năm, vẽ TRÒN (xem Atlat trang 21, 22...). Bài có từ “cơ cấu” hay “tỷ trọng” và trên 3 năm, vẽ MIỀN (Atlat trang 15, 17). Bài có từ “tăng trưởng” hay “phát triển” hay “biến động” và trên 3 năm, vẽ ĐƯỜNG (hay còn gọi là ĐỒ THỊ). Bài không có 5 từ khóa trên thì vẽ CỘT và không cần số năm...

Thầy Quang nhắc nhở thêm, TS nên nhớ câu dễ tô ngay, câu khó bỏ qua, quay lại sau. Nếu không tìm ra đáp án ngay, TS có thể tham khảo Atlat rồi loại trừ dần phương án để chỉ còn một phương án.
Không dừng thời gian quá lâu cho một câu
Thạc sĩ Lê Lý, tổ trưởng tổ giáo dục công dân Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) nói rằng, để bài thi đạt 5 điểm không quá khó nhưng để đạt điểm 8 - 9, TS cần nỗ lực rất nhiều. TS không chỉ nắm vững kiến thức, hiểu, vận dụng linh hoạt mà còn phải biết phân bố thời gian làm bài và xử lý các câu hỏi một cách hợp lý nhất.
Trước hết, thạc sĩ Lê Lý hướng dẫn, TS đọc kỹ đề, xác định được từ khóa trong câu hỏi, xác định đúng vấn đề được hỏi để không bị nhầm đáp án.
Với thời lượng 50 phút 40 câu, bình quân mỗi câu chỉ được làm trong một phút, 10 phút còn lại để tô đáp án, kiểm tra sai sót... Do đó, không nên dừng lại quá lâu ở một câu bởi sẽ không còn thời gian dành cho các câu khác.
Ngoài ra, khi làm bài, TS lưu ý đối với các câu hỏi khó, khi đọc lên không có một chút hiểu biết nào thì phải bỏ qua. Câu nào thấy “ngờ”, 4 đáp án đều thấy ‘‘hình như đúng’’ cũng bỏ qua, đánh dấu bên lề để sau đó quay lại. Nên làm trước những câu đã nắm chắc kiến thức, chắc đáp án sau đó làm đến các câu loại suy và các câu tình huống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.