Không chỉ có người nghèo ở vùng sâu, vùng xa; còn có người nghèo tại thành thị.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề người lao động, nhưng lao động phi chính thức (tức lao động tự do, không ký kết hợp đồng, thu nhập thấp - PV) và nhóm người trẻ mới bước chân vào thị trường kinh tế lại chịu nhiều thiệt thòi hơn.
Xa hơn là một bối cảnh bất bình đẳng giàu - nghèo hay hạn chế trong việc tiếp cận các trụ cột an sinh xã hội (gồm việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội cho các khoản đặc thù; dịch vụ xã hội cơ hội).
Chúng tôi chứng kiến nhiều công nhân sống “thắt lưng buộc bụng” trong những căn nhà trọ ẩm thấp, nhiều lao động tự do thức thâu đêm để có thu nhập một ngày chừng 100.000 đồng (tức khoảng 3 triệu đồng/tháng, tương đương chuẩn cận nghèo của TP giai đoạn 2019 - 2020).
Điều đáng nói, lực lượng lao động tự do - vốn cũng là một lực lượng lao động đáng quý trong xã hội - lại không có gì để “đảm bảo” do thiếu nhiều chiều về tiếp cận y tế, chế độ bảo hiểm xã hội, phụ cấp và các khoản an sinh xã hội...
Tháng 10.2020, Tổ chức Oxfam công bố báo cáo toàn cầu về chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng năm 2020. Theo đó, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN và xếp hạng 77/158 quốc gia về giảm bất bình đẳng, đồng thời được đánh giá cao qua những thành công ứng phó dịch Covid-19, triển khai các gói cứu trợ, đưa ra những biện pháp hạn chế sự gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng...
Tuy vậy, vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực phía trước và chính sách giảm bất bình đẳng nào cũng cần lấy con người làm trọng tâm. Làm sao có chính sách thuế công bằng, y tế miễn phí; làm sao để thị trường lao động ngày càng phát triển nhưng lại ít đi lực lượng lao động phi chính thức và họ có thể dễ dàng tiếp cận các chính sách tăng lương cơ bản, phúc lợi, an sinh... Có như vậy, xã hội mới đi lên mà không thành phần nào bị tụt lại.
Bình luận (0)