Để lời nói từ trái tim tới trái tim

10/10/2018 07:18 GMT+7

Nói trước đám đông thường được coi là năng khiếu tự nhiên của một số người, sinh ra đã có. Nhưng thực tế không phải vậy, mà muốn có kỹ năng này thì phải học hỏi, rèn luyện trên nhiều khía cạnh…

Không dám nói vì phông kiến thức yếu
Chị Ngô Phương Lan (23 tuổi), giáo viên môn hóa tại một trường quốc tế TP.HCM, chia sẻ bản thân chị có đôi lúc không tự tin khi đứng trước phụ huynh và học sinh. “Tôi sợ nhất việc nói lắp, nói nhầm khi thuyết trình. Tôi luôn trăn trở làm sao để cuộc nói chuyện của mình trở nên thuyết phục hơn”.
Anh Nguyễn Trọng Khương (27 tuổi), làm biên tập phát thanh cho trang thông tin điện tử Netnews.vn, cho hay có nhiều bạn trẻ luôn rụt rè, hiếm khi dám phát biểu ý kiến hoặc đứng thuyết trình trước đám đông, nguyên nhân có thể họ chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết để tự tin giao tiếp, nói chuyện và tương tác với những người xung quanh. Ngoài ra, cũng có những người tính cách hướng nội, rụt rè, rất ngại chia sẻ, nói chuyện với người khác. Bên cạnh đó, có những người tự ti về hoàn cảnh gia đình, luôn thấy mình thấp kém hơn người khác nên ngại đưa ra ý kiến trước đám đông…
“Có những người ngại ngùng vì khuyết điểm trong giọng nói của mình như nói ngọng, nói tiếng địa phương, phát âm khó nghe... Nguyên nhân khác rất quan trọng là phông kiến thức của nhiều bạn trẻ còn yếu và thiếu, nên nhiều khi không biết phải nói chuyện, giao tiếp với người xung quanh, truyền đạt và thể hiện quan điểm của mình như thế nào”, anh Khương nói.
Ý kiến
“Muốn có những bài nói chuyện, thuyết trình thành công, ấn tượng trước công chúng thật sự không đơn giản, nó đòi hỏi phải liên tục thực hành”.
Phan Thị Hồng Tươi 
(sinh viên Trường ĐH An Giang)
“Đôi khi chuẩn bị đơn thuần trước mỗi bài phát biểu là chưa đủ, việc tưởng tượng ra không gian thuyết trình và biến nó trở nên thân thuộc cũng là cách khiến bản thân dễ dàng nói chuyện hơn”.
Nguyễn Thị Ngọc Tiên 
(sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Cần gạt bỏ cái "ngại"
Theo anh Khương, muốn tự tin trong giao tiếp, phát biểu, người trẻ cần trau dồi kiến thức văn hóa và xã hội cho mình thật nhiều; tự học hỏi, tìm tòi qua sách vở, internet và từ những người xung quanh. Bản thân họ cần gạt bỏ cái "ngại" của mình để giao tiếp, nói chuyện nhiều hơn với mọi người, không nên sợ mình nói sai và sợ sự đánh giá của người khác về mình.
“Bạn trẻ có thể tìm đến những khóa đào tạo chuyên nghiệp về giao tiếp, về kỹ năng nói, phát biểu trước đám đông, những khóa học luyện giọng hay hơn... Nếu không có điều kiện thì lên internet xem các video về thuyết trình, phản biện, tranh luận, những video của các Vlogger, từ đó học hỏi và khám phá ra phong cách nói chuyện riêng của bản thân, dần dần sẽ thêm tự tin”, MC Nguyễn Trọng Khương khuyên.
Anh Trần Bá Lộc, giảng viên dạy kỹ năng nói trước công chúng của Viện John Robert Power, cho rằng: “Nhiều bạn trẻ quá tập trung vào nội dung của bài nói nên quên rằng hai yếu tố giọng nói và ngôn ngữ cơ thể lại quan trọng hơn nhiều, điều đó mới quyết định việc bạn trở nên thu hút trước công chúng và truyền tải những thông điệp hay”.
Anh Lộc cũng chỉ ra cách làm sao để bớt run và cảm nhận cơ thể của bản thân khi đứng trước đám đông: “Thường khi gặp các trục trặc, vấn đề khi đang nói, các bạn trẻ thường bị câu hỏi “làm gì đây ta?” lấn át ý tưởng mà 3 giây đầu tiên não bộ đã nảy ra, như thế khiến bạn càng ấp úng hơn. Cần tận dụng phần não sáng tạo của chính mình để có những ý tưởng hay sau đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.