Để Mũi Né thực sự là 'điểm đến hấp dẫn'

12/09/2015 12:39 GMT+7

Sáng nay (12.9) tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận) diễn ra hội thảo quốc tế về du lịch. Hội thảo do UBND tỉnh Bình Thuận, Ban điều phối Duyên hải Nam Trung bộ và 17 tỉnh, thành của ba nước VN, Lào, Campuchia tham dự. Đây là dịp để ngành du lịch Mũi Né tự “soi” lại mình trước yêu cầu phát triển mới.

Sáng nay (12.9) tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận) diễn ra hội thảo quốc tế về du lịch. Hội thảo do UBND tỉnh Bình Thuận, Ban điều phối Duyên hải Nam Trung bộ và 17 tỉnh, thành của ba nước VN, Lào, Campuchia tham dự. Đây là dịp để ngành du lịch Mũi Né tự “soi” lại mình trước yêu cầu phát triển mới.

Để Mũi Né thực sự là “điểm đến hấp dẫn” Thuyền buồm, một môn thể thao được ưa thích ở Mũi Né - Ảnh: Quế Hà
Với chiều dài bờ biển hơn 192 km, Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi về tiềm năng du lịch. Không chỉ có Mũi Né mà còn có các điểm đến tiềm năng khác như: Tiến Thành, La Gi, Mũi Kê Gà, La Gàn-Bình Thạnh, Mũi Cà Ná….Tuy nhiên, nói đến du lịch biển Bình Thuận thì Mũi Né vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất.
Hiện nay, Mũi Né có tới 3 khách sạn- resort cao cấp 5 sao, 15 resort 4 sao, hàng chục khách sạn khác đạt tiêu chuẩn 3 sao với hơn 8.500 phòng. Mũi Né được khách nước ngoài đặc biệt ưa chuộng bởi toàn bộ hệ thống phòng nghỉ, khách sạn đều sát biển và hướng ra biển. Hằng năm, Mũi Né thu hút khoảng 3,5 triệu lượt du khách, trong đó 30% là khách quốc tế.
Đóng góp của ngành du lịch nói chung, điểm đến Mũi Né nói riêng vào nền kinh tế của Bình Thuận trong những năm qua là rất đáng kể.
Giải pháp nào để du lịch Mũi Né “cất cánh”?
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng du lịch Mũi Né đang đứng trước những thách thức trong bối cảnh mới.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương- Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Mũi Né cần phải quyết liệt tái cơ cấu lại vòng đời cho sản phẩm du lịch.
“Ngày trước Mũi Né được quy hoạch nhỏ lẻ để hút khách. Nay điều đó không còn phù hợp nữa”, ông Lương nói.
Ông Michel Nguyen, một Việt kiều Pháp (gốc Phan Thiết) cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Mũi Né rất ít được quan tâm.
“Mấy năm trước tôi về quê còn thấy đỡ. Giờ về thăm lại quê thấy Mũi Né chỗ nào cũng rác.Người nước ngoài họ rất quan tâm đến vệ sinh môi trường. Nếu không làm tốt chuyện này thì Mũi Né sẽ mất hết khách”, ông Michel Nguyen lo ngại.
Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Trần Văn Bình, đồng thời là nhà đầu tư resort cho rằng: “Cái cần phải làm thì nhiều. Nhưng chúng tôi chọn vấn đề xử lý môi trường làm trước. Hiện nay, chúng tôi đang có hoạt động làm sạch vệ sinh môi trường trên con đường chính Nguyễn Đình Chiểu- Huỳnh Thúc Kháng của hai phường Mũi Né và Hàm Tiến. Nói gì thì nói, có nghèo mà sạch sẽ gọn gàng vẫn hơn giàu có mà nhếch nhác, để điểm đến đầy rác rưởi, thấy khó chịu”.
Còn ông Nguyễn Văn Mỹ, một chuyên gia du lịch đến từ TP.HCM, kiến nghị: “Phải đổi mới cách làm du lịch cho Mũi Né. Không thể ăn xổi mãi được. Đã là resort thì chỉ được xây dựng 25-30% diện tích. Bây giờ các resort Mũi Né xây tới 70% diện tích rồi, càng để lâu càng khó sửa sai”.
Về thị trường khách du lịch, theo ông Mỹ, cần quan tâm đến khách nội địa bởi bài học khách Nga còn nóng hổi tính thời sự đối với các DN làm du lịch.
Anh Nguyễn Tân, một giám đốc điều hành du lịch ở Phan Thiết đề xuất trước mắt cần lập lại trật tự cho Mũi Né từ cái biển hiệu tiếng nước ngoài, đến việc cạnh tranh giữa các cơ sở du lịch với nhau.
“Ở Mũi Né chỗ nào cũng hàng quán, cũng dịch vụ massage, văn phòng bán tour du lịch, tranh giành khách giữa các cơ sở có sao với các nhà trọ rẻ tiền. Có lúc rất hỗn độn, xô bồ”, anh Tân thẳng thắn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thành Tâm, cho biết Hội thảo du lịch quốc tế tại Mũi Né khai mạc hôm nay (12.9) sẽ phân tích, đánh giá lại tiềm năng từng vùng. Từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm gắn kết sự phát triển giữa các vùng với nhau.
Hy vọng sau hội thảo quốc tế về du lịch này, Mũi Né sẽ “soi lại mình” và có được giải pháp phù để phát triển trong bối cảnh mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.