Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết - người được trao trọng trách nấu ăn thết đãi 21 vị nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC 2017.
Vừa dạy xong lớp nấu ăn cho người nước ngoài tại nhà hàng phố Mã Mây, nghệ nhân Ánh Tuyết đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền hòa, thân thiện. Gần 70 tuổi, bà Tuyết vẫn giữ phong cách thanh lịch, nét quý phái không lẫn vào đâu được của người Hà Nội gốc. Và rồi, bà kể chúng tôi nghe những câu chuyện “có 1 không 2” khi chủ trì quốc yến APEC, thậm chí là những tuyệt kỹ nấu nướng cả đời bà chiêm nghiệm.
Tuyển chọn nguyên liệu khắt khe
Điều đầu tiên mà nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ với chúng tôi, cũng là điều rất quan trọng bà đặt lên hàng đầu khi nấu nướng, chính là tuyển chọn nguyên liệu. Không ngại tự nhận mình khắt khe, nghệ nhân cho biết bí quyết này được lĩnh ngộ từ người bà đáng kính. “Thi thoảng bà bảo hôm nay mát trời, nhà mình ăn đĩa rau muống xào nhé là tôi đi bóc vài nhánh tỏi ta bé tí, bóc thật kỹ. Rau phải chọn loại cọng nhỏ, lá xanh. Khi bắc bếp xào rau, cho một chút mắm tôm để dậy mùi thơm. Nhưng có hôm trời nắng gắt, muốn ăn rau muống luộc, bà phải đi tìm một bó rau muống hồ, cọng to bằng đốt ngón tay màu đỏ, lá thưa. Luộc rau rồi, bà cho vài quả sấu trên đường Trần Hưng Đạo vào. Cùng một loại rau nhưng có loại chỉ luộc, loại chuyên xào, tôi học được cái kỹ lưỡng như thế trong chọn nguyên liệu”, bà Tuyết kể lại, trong mắt ánh lên sự ngưỡng mộ.
|
Nhờ được vào bếp và học hỏi kinh nghiệm của bà ngoại từ 9 tuổi mà bà Tuyết đã tự đặt ra những nguyên tắc bất di bất dịch về tuyển chọn nguyên liệu, dù có phần khắt khe nhưng vô cùng cần thiết, quyết định sự khác biệt của món ăn. Bởi lẽ, theo nghệ nhân, nguyên liệu không chỉ đơn thuần là những thịt, cá, rau, củ… mà có khi thể hiện tri thức, sự am tường y học của người nấu, có lúc lại là “vật gửi tin” để truyền đi thông điệp mà người đầu bếp muốn nói. “Tôi tâm niệm khi chọn nguyên liệu, phải biết món nào tốt cho sức khỏe, món nào hại cho người bị bệnh, món nào gây ra độc tố. Cũng phải hiểu biết xã hội, văn hóa để biết nguyên liệu nào có thể biểu trưng cho tinh hoa ẩm thực truyền thống Việt Nam mà quảng bá đến bạn bè thế giới”, bà Tuyết chia sẻ.
Đó cũng chính là lý do vì sao trong quốc yến APEC 2017, thay vì chọn các món cao lương mỹ vị, nghệ nhân Ánh Tuyết lại chọn 6 món ăn đều có nguyên liệu bình dị, chân phương, đặc trưng cho một quốc gia nhiệt đới với nông, lâm sản trù phú như Việt Nam: Cá vược hấp ngũ vị, nem cuốn tươi, nem cua bể, vịt quay da giòn, chè khoai tím.
“Đừng xem thường gia vị!”
Một tuyệt kỹ khác của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết là hiểu và phát huy tối đa công dụng của gia vị cho món ngon chuẩn vị: “Gia vị chỉ thêm một chút, bớt một chút đã tạo ra vị khác. Người đầu bếp phải biết lựa chọn gia vị ngon, nêm nếm vừa phải và nhất định phải dùng đúng loại gia vị đặc trưng của món ăn. Chẳng hạn như bún thang phải có rau răm, rau mùi, nhất định không được dùng kinh giới”, vừa nói bà Tuyết vừa mô tả động tác cắt rau vào nồi. “Chả rươi thì phải có vỏ quýt, mà phải là quýt hôi của Lạng Sơn. Còn Cá vược hấp ngũ vị thì phải có nước tương Con Mèo Đen…”.
Trong vô vàn những loại gia vị yêu thích của bà, bà Tuyết kể chúng tôi nghe câu chuyện về nước tương. Bởi “nước tương có mùi đặc trưng của đỗ tương lên men, lại sánh, đen sẫm, vị ngọt tự nhiên, làm dậy lên vị ngon của món ăn”, nghệ nhân Ánh Tuyết nhận định. Nước tương cũng là loại gia vị mà người bà đáng kính của “đầu bếp nguyên thủ” rất yêu thích và gắn liền với sự thành công của món Cá vược hấp ngũ vị trứ danh tại APEC 2017. “Có một khoảng thời gian tôi không thấy nước tương Con Mèo Đen bán, tôi đã tìm rất nhiều loại nước tương khác để thay thế nhưng không thể tìm ra hương vị nào có thể khiến món Cá vược hấp ngũ vị mà bà truyền lại “chuẩn vị”, giọng chầm chậm, bà Tuyết nhớ lại chuyện xưa.
|
Bình luận (0)