Để nghệ nhân thành hướng dẫn viên du lịch

07/10/2017 07:36 GMT+7

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, phần lớn các nghệ nhân đang phải tự “bơi” trên con đường làm hướng dẫn viên du lịch làng nghề.

Chỉ gói trong chuyện nghề
Số điện thoại của nghệ nhân Lương Sơn Bạc được viết bằng vôi trên tường làng nghề đan đăng đó Tất Viên (xã Thủ Sỹ, H.Tiên Lữ, Hưng Yên). Ông Bạc cho biết chính các công ty lữ hành đã khuyên ông nên viết số điện thoại lên tường làng, để những đơn vị khác nếu về thì biết mà gọi nhờ ông giới thiệu làng nghề. Bắt đầu đan chiếc đó đầu tiên khi mới 7 tuổi, ông Bạc có thể nói hàng giờ với khách về đủ chuyện liên quan đến loại dụng cụ bắt cá bằng tre này. “Tôi làm hướng dẫn viên quen rồi, tự mình nghĩ ra lời giới thiệu. Khách có hỏi thêm thì mình trả lời theo phần lịch sử của quê hương, trả lời thế nào cho êm đẹp”, ông Bạc nói.
Ở Hưng Yên, có một làng nghề khác mà hướng dẫn viên cũng là nghệ nhân - làng nghề hương Cao Thôn (xã Bảo Khê, TP.Hưng Yên). Nghệ nhân Nguyễn Như Khanh đeo micro hướng dẫn khách đi thăm các nhà làm hương. “Tôi tự nghĩ ra bài hướng dẫn. Những mẹt thuốc bắc bày ra để giới thiệu với khách về nguyên liệu làm hương cũng là tôi tự bày”, ông Khanh nói.

tin liên quan

Khuyến khích nghệ nhân truyền dạy hát văn cho thế hệ trẻ
Bộ VH-TT-DL vừa gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, nhằm thực hiện cam kết với UNESCO.
Hiểu về nghề, câu chuyện lưu loát, nhưng phần hướng dẫn của cả hai nghệ nhân nêu trên đều không hẳn đã đủ cho một tour du lịch làng nghề. “Thực ra, nghệ nhân là những người hiểu nghề. Tuy nhiên, câu chuyện một làng nghề còn rất nhiều. Chẳng hạn, khi chúng tôi đưa khách du lịch đi dọc các làng nghề theo sông Hồng, thì câu chuyện vì sao các làng nghề lại gắn với con sông cũng rất quan trọng. Vì thế, chúng tôi vẫn phải tự thiết kế các bài hướng dẫn với những câu chuyện lịch sử văn hóa để thông tin phong phú hơn”, bà Đặng Bích Thọ, Phó tổng giám đốc Công ty Hanoi Red tour, cho biết.


Phải có sự kết hợp giữa cộng đồng và ngành du lịch và văn hóa thì mới biến được làng văn hóa, làng nghề thành làng du lịch. Chứ nếu để họ tự bơi thì khó


PGS-TS Nguyễn Văn Huy


Những câu chuyện đó có thể là việc nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đã làm những sản phẩm gốm xuất khẩu ra sao, nghệ nhân gốm Chu Đậu kể về những sản phẩm đặc biệt đã lênh đênh trên những con tàu buôn vượt biển thế nào. Gốm Phù Lãng có câu chuyện làm mới sản phẩm để xuất trời Âu của nghệ nhân Vũ Nhung. Trên thực tế, có thể thấy nhu cầu thông tin văn hóa đầy đặn là có thật, đặc biệt với khách du lịch nước ngoài.
Không để nghệ nhân tự bơi
Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) được xây dựng một bảo tàng nghề nhiếp ảnh và hiện đang xây dựng tour du lịch. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, người quê Lai Xá, có công giúp làng tổ chức các hoạt động này cho biết: “Các cụ trong làng cũng sẽ tham gia. Người trước làm thầy cúng thì sẽ giới thiệu căn nhà và phong tục thờ cúng tổ tiên. Người có nghề nhiếp ảnh sẽ kể chuyện về nghề. Món ăn của làng là bún nộm cần cũng được giới thiệu trong tour. Cần hướng dẫn nghệ nhân nói, dù họ chỉ kể câu chuyện rất đời thường là làm món ăn đó như thế nào. Đương nhiên, từ câu chuyện kiến thức tới cách kể chuyện cần cả một sự chuyên nghiệp”.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), khi các nghệ nhân được hỗ trợ về kỹ năng mềm để có thể giới thiệu về di sản thì việc làm hướng dẫn viên sẽ tốt hơn nhiều. Hồi năm 2007, bà là người đưa đoàn nghệ nhân VN sang giới thiệu 11 di sản văn hóa phi vật thể trong lễ hội đời sống dân gian Smithsonian 2007 ở Washington, Mỹ. Trước khi sang Mỹ, các nghệ nhân đã được tập huấn rất kỹ để có thể giới thiệu về di sản của mình. Trong đoàn có bà Mười Xiềm giới thiệu về nghệ thuật làm bánh dân gian. Người xem rất mê cách bà Mười làm bánh và nói về bánh”, bà Lý nhớ lại.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL), cho biết hiện nay xu hướng du lịch văn hóa tại làng nghề cũng là xu hướng du lịch cộng đồng được nhiều địa phương quan tâm. Đây là cách hay để tạo các điểm đến mới. Mặc dù vậy, theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, để nghệ nhân có thể làm hướng dẫn viên du lịch rất cần sự giúp đỡ của các nhà văn hóa, lẫn người làm du lịch. “Việc xây dựng sản phẩm là cả một quá trình công phu. Phải có sự kết hợp giữa cộng đồng và ngành du lịch và văn hóa thì mới biến được làng văn hóa, làng nghề thành làng du lịch. Chứ nếu để họ tự bơi thì khó”, ông Huy nói.
Các chuyên gia Nhật đã mất 2 năm ở làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) để tập huấn người dân cách làm bữa cơm với các món đặc trưng của làng như nem, đậu phụ, gà mía, củ cải khô xào... Ở làng nghề Vạn Phúc, chuyên gia di sản của UNESCO đã tới sưu tập các câu chuyện nghề của làng như ai là người được mời vào triều để dệt áo cho vua, ai hiện còn dệt được lụa theo lối cổ... “Những thông tin đó được thu thập lại, không chỉ tốt cho nghệ nhân giới thiệu mà còn giúp ích cho cả hướng dẫn viên của công ty lữ hành”, chuyên gia UNESCO cho biết.
Một mô hình thành công trong việc đào tạo nghệ nhân trở thành hướng dẫn viên chuyên nghiệp là Công ty XQ Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong nhiều năm qua, XQ vừa là nơi lưu giữ nghề tranh thêu vừa là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng tại TP.Đà Lạt. Đội ngũ hướng dẫn viên của XQ thông thạo tiếng Anh, Pháp... và cũng chính là các nghệ nhân thêu tay, họ thường xuyên tiếp đón các đoàn du khách trong nước và quốc tế đến từ Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… tìm hiểu về nghề thêu truyền thống VN...
N.Y - Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.