Đề nghị ban hành nghị quyết điều chỉnh... 93 luật liên quan đến quy hoạch

03/06/2019 23:09 GMT+7

Hành trình “gian nan” của luật Quy hoạch vẫn chưa chấm dứt, khi ngay giữa kỳ họp, Chính phủ trình ra Quốc hội dự thảo nghị quyết ảnh hưởng đến 93 luật có liên quan đến quy hoạch, khiến các đại biểu thẩm tra... hốt hoảng.

Luật có hiệu lực 5 tháng, nhiều nơi đã kêu trời

16 giờ 30 chiều 3.6, trong lúc Quốc hội vẫn đang thảo luận tại hội trường, các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phải rút ra một phòng họp khác để thẩm tra dự thảo "Nghị quyết thi hành luật Quy hoạch; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch", liên quan đến tổng cộng 93 luật.
 Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh đã phải “xin lỗi các vị đại biểu”, vì đang kỳ họp mà phải tổ chức họp vào cuối giờ, do “không còn cách nào khác”, vì chiều tối mai (4.6), Ủy ban sẽ phải có báo cáo thẩm tra sơ bộ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng nói thêm là đến tận 31.5, tức là sau khi Quốc hội khai mạc 11 ngày, Uỷ ban Kinh tế mới nhận được Tờ trình của Chính phủ gửi sang để thẩm tra, nên không có lựa chọn nào khác là làm việc ngoài giờ.
Phải khẳng định hiếm có dự án luật nào tốn thời gian, trí tuệ của các nhà lập pháp nước ta hơn dự án luật này, mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dùng đến từ “gian nan”, bởi đụng đến quy hoạch là đụng đến vô vàn lợi ích.
Luật Quy hoạch đã được chuẩn bị từ Quốc hội khóa 13, chuyển sang Quốc hội khóa 14 và phải qua 3 kỳ họp, đến cuối năm 2017 mới thông qua được, sau rất nhiều tranh cãi.
Và cũng rất đặc biệt, theo ông Thanh, là dù thông qua cuối năm 2017, nhưng đến tận 1.1.2019 luật mới có hiệu lực, để có thời gian cho quá trình chuyển tiếp; nhưng sau khi luật có hiệu lực 5 tháng, lập tức Chính phủ đề nghị... sửa.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng có làm mới thấy vướng và mới thấy lo Ảnh quochoi.vn
Có 3 vướng mắc chính mà Chính phủ liệt kê. Thứ nhất là hiện có 1 số quy hoạch đã được lập, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt, nay sẽ phải làm theo trình tự của luật Quy hoạch, dẫn đến mất nhiều thời gian.
Thứ hai là quy định của luật hiện hành không cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, dẫn đến không bảo đảm sự linh hoạt trong quá trình điều hành của các địa phương.
Thứ ba là kể từ thời điểm luật có hiệu lực, quy định có liên quan đến các quy hoạch tại các luật chuyên ngành cũng đồng thời hết hiệu lực, khiến không còn căn cứ pháp lý để thực hiện các quy hoạch này.
Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết trên để hướng dẫn chuyển tiếp, không hồi tố quy định với các quy hoạch đã thẩm định trước và cho kéo dài thời hạn áp dụng quy hoạch được quy định tại các luật chuyên ngành.
Đại diện một số địa phương có mặt tại phiên họp như TP.HCM, Bình Thuận, Quảng Bình, Quảng Ninh đều "kêu" về vướng sự của luật và đề nghị có giải pháp tháo gỡ.
Ba vị thứ trưởng của các Bộ GTVT, Tài nguyên - Môi trường và Công Thương có mặt tại cuộc họp cũng đều "kêu". Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho biết: “Triển khai thực tế mới thấy vướng” và “chúng tôi trực tiếp làm chúng tôi mới lo”.
Theo bà Hoa, luật quy định các quy hoạch dưới phải tuân thủ quy hoạch tổng thể quốc gia, mà quy hoạch tổng thể quốc gia lại chưa có, nên không lấy đâu ra căn cứ để xây dựng quy hoạch dưới, cụ thể ở đây là quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Bà Hoa cũng thông tin thêm, hiện có 5 địa phương chưa phê duyệt được quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, và nếu dừng lại thì 5 tỉnh này từ giờ đến 2020 “không thu hồi đất, không giao đất, không làm gì được cả”.

Luật “rất tiến bộ, tầm nhìn xa, tư tưởng lớn” nhưng vẫn vướng

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, không thống nhất việc thông qua nghị quyết này, vì “nếu đồng ý với nghị quyết thì nói một cách ngắn gọn là chúng ta đình chỉ không thực hiện luật Quy hoạch nữa” và làm hồi sinh những điều khoản “đã chết”, đã được Quốc hội sửa đổi.
Theo đại biểu Sinh, nguyên nhân “căn cốt” của việc vướng mắc là vì Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn chậm. Luật đã được ban hành từ 2017, nhưng đến tháng 5 vừa qua mới có nghị định hướng dẫn.
Thêm vào đó, ông Sinh cũng cho rằng, hồ sơ dự án chưa đủ thuyết phục khi mới có ý kiến của 5 trong số 47 bộ, ngành T.Ư; 63 tỉnh thành, các doanh nghiệp, các hiệp hội đều không có ý kiến.
“Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ làm chậm. Tôi cho rằng Chính phủ phải nhận trách nhiệm trước Quốc hội về chậm trễ này”, ông Sinh nói.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh lại cho rằng luật vướng trước hết do hướng dẫn chậm, chứ không phải do bản thân luật Ảnh Ngọc Thắng
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, người “đã tâm huyết, va chạm, cãi nhau rất nhiều để ra được luật Quy hoạch” - theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, cũng trần tình việc thời gian qua ông bị nhiều người gọi là “tội đồ”, vì “ngăn cản cả quá trình phát triển của đất nước”.
“Khi xây dựng dự án luật, chúng tôi đã có dự thảo nghị định. Thử hình dung là nếu nghị định đó ban hành kịp thời, chứ không phải sau tới 17 tháng, không phải mất tới 13 cuộc họp - mà ở đó vẫn quay lại những nội dung chúng ta đã căng thẳng trong suốt thời kỳ Quốc hội họp về luật này, thì đã không vướng”, ông Đông nói và cho rằng đã thông qua luật rồi mà bằng một nghị quyết này phủ nhận tất cả là không được.
Phản biện các ý kiến trên, đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho rằng, ông nghe nhiều chiều, nhưng không thể phủ nhận được thực tế là rất vướng. “Các anh hiểu nhầm là đại biểu Quốc hội phê phán luật này là không đúng. Luật này rất tốt, tầm nhìn xa, tư tưởng lớn, nhưng phải giải quyết vấn đề chuyển tiếp”, đại biểu Thuật đề nghị. 
Điều hành phiên họp, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên tóm lại phiên thảo luận với nội dung “thống nhất là phải hành động” để tháo gỡ vướng mắc, nhưng với thủ tục là một nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ trình, hay với giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như một số đại biểu khuyến nghị thì Ủy ban Kinh tế sẽ cùng với Thường trực Ủy ban Pháp luật làm rõ trong tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày mai, 4.6.
Ông Kiên đề nghị Bộ KH-ĐT báo cáo Chính phủ để giải trình. "Thứ nhất, chỉ có luật mới không có thời hạn, chứ nghị quyết nhất định phải có. Thứ hai, nghị quyết này ảnh hưởng đến 93 luật mà không có đánh giá tác động, thì dừng 93 luật ấy không biết việc gì sẽ xảy ra, ai chịu trách nhiệm cho việc ấy”, ông Kiên nói, và đề nghị bổ sung trước khi “gặp lại nhau vào phiên họp Thường vụ ngày mai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.