Ngày 14.4, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM về kết quả, tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong xác minh các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xảy ra trên địa bàn; kết quả xử lý các vụ việc sai phạm xảy ra tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và một số vụ án, vụ việc khác nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tham gia đoàn công tác có ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Ban Nội chính Trung ương và Bộ Công an.
Ông Phan Đình Trạc phát biểu tại buổi làm việc |
VGP/Trần Mạnh |
5 kiến nghị liên quan Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn còn chậm xử lý
Ông Phan Đình Trạc đánh giá thời gian qua, trong tình hình đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề… Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy TP.HCM vẫn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt việc thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Hoàn thành 34 nội dung theo kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 1 vụ/20 bị cáo, đang xây dựng cáo trạng truy tố 1 vụ, đang điều tra 3 vụ, đang xác minh 7 vụ việc.
Tuy nhiên, vẫn còn 5 nội dung kiến nghị tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn chậm xử lý do có khó khăn, vướng mắc lớn đang chờ chỉ đạo tháo gỡ của Trung ương.
Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm; một số vụ việc sai phạm Thanh tra TP.HCM chưa kịp thời chuyển Cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền.
Cơ quan điều tra cũng chưa kịp thời điều tra, xử lý đối với một số vụ việc, vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, vụ việc đã đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nhất là một số vụ việc, vụ án đã được chỉ đạo, xử lý tại buổi làm việc ngày 29.5.2021.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc |
VGP/Trần Mạnh |
Xử lý phù hợp hoàn cảnh lịch sử
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Thứ nhất, đối với các sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trên cơ sở kiến nghị của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM; thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng cùng ý kiến của các cơ quan chức năng, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thống nhất, tham mưu Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp thành phố xử lý dứt điểm 5 vụ việc còn lại theo quy định.
Về các vụ việc có dấu hiệu sai phạm cụ thể tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã chuyển đến Cơ quan điều tra Bộ Công an, ông Phan Đình Trạc đề nghị Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc xử lý cần xem xét phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đúng quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm và tại thời điểm hiện nay; đánh giá đúng động cơ, mục đích của sai phạm và hậu quả thiệt hại thực tế để xử lý khách quan, toàn diện, công tâm, đúng với bối cảnh, hoàn cảnh xảy ra sai phạm.
Đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý các vụ án liên quan Saigon Co.op, IPC, Sadeco...
Bên cạnh đó, Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ xác minh xử lý các vụ việc; điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo đúng tiến độ theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm:
- Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.
- Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).
- Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty IPC trong việc bán nền đất tại dự án An Phú Tây, H.Bình Chánh.
- Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Sepzone Linh Trung, liên quan đến việc Tề Trí Dũng và các cá nhân đại diện vốn Công ty IPC nhận tiền thù lao và tiền thưởng do Công ty Sepzone Linh Trung chi trả cho Thành viên Hội đồng thành viên.
- Vụ việc liên quan đến sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH Một thành viên và việc cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Phát triển và Kinh doanh nhà thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn.
- Vụ việc liên quan đến thực hiện gói thầu Cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
- Cuối cùng là 5 vụ việc thuộc giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và các đơn vị liên quan.
Để đảm bảo được tiến độ nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ sớm kết luận giám định, định giá tài sản phục vụ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; những việc khó vượt thẩm quyền thì báo cáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn để xử lý dứt điểm các vụ việc, sai phạm còn lại.
Bình luận (0)