Đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện

18/04/2022 18:47 GMT+7

Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện dù Chính phủ đề nghị giữ nguyên hệ thống 3 cấp thanh tra Chính phủ, tỉnh, huyện khi sửa luật Thanh tra.

Thanh tra cấp huyện ít việc

Chiều 18.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến luật Thanh tra sửa đổi.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình tại phiên họp

gia hân

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật do Chính phủ trình giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, gồm 3 cấp: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.

Tuy nhiên, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban này đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện vì theo báo cáo của Chính phủ thì cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra. Bên cạnh đó, việc bỏ thanh tra huyện cũng giảm đầu mối cơ quan chuyên trách thuộc UBND huyện với khoảng 713 cơ quan….

Theo ông Tùng, việc bỏ thanh tra cấp huyện “vẫn bảo đảm nguyên lý ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra” vì khi không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan này sẽ được chuyển cho thanh tra tỉnh.

“Việc này cũng tránh được tình trạng “dàn đều” biên chế của thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả của thanh tra cấp tỉnh”, ông Tùng cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra dự án luật tại phiên họp

gia hân

Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ khá nhiều băn khoăn với đề nghị này.

“Thanh tra không chỉ làm thanh tra, thanh tra còn giúp UBND huyện làm khiếu nại, tố cáo, thanh tra còn giúp UBND huyện làm phòng, chống tham nhũng và còn các luật khác quy định nữa, bây giờ bỏ thanh tra huyện đi thì ai giúp huyện làm những việc đó, muốn bỏ là phải có cơ sở lý luận”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu.

Theo ông Định, hiện nay, có nhiều địa phương cấp huyện rất rộng như TP.Thủ Đức (thành phố cấp huyện), gồm 3 quận nhập lại với dân số hàng triệu người, rất nhiều việc hay TP.Hạ Long vừa rồi nhập thêm H.Hoành Bồ hay Cao Bằng sáp nhập 3 huyện làm một… mà giờ không có thanh thì sẽ thế nào?

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đồng ý với Chính phủ về việc giữ nguyên hệ thống 3 cấp thanh tra. Bà Thanh đề xuất cần tăng cường đổi mới tổ chức, năng lực, hiệu quả của thanh tra huyện để giải quyết tốt các vấn đề ở cơ sở.

“Thanh tra ở cấp huyện giải quyết được ngay từ cấp cơ sở thì nó sẽ không trở thành những vấn đề lớn, không trở thành những vấn đề phát sinh và tồn đọng lại để dẫn đến việc bức xúc, kéo dài, gây hậu quả rồi lại đùn đẩy và trở thành gánh nặng cho cấp trên”, bà Thanh nói.

Đưa ra để Quốc hội thảo luận

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chia sẻ, với kinh nghiệm 13 năm rưỡi làm quản lý nhà nước, từng ở huyện, tỉnh, ông thấy rằng bỏ thanh tra cấp huyện là không nên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

gia hân

“Thanh tra cấp huyện thay mặt nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ngân sách nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở địa phương từ cấp xã lên cấp huyện mới lên cấp tỉnh, nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì ai làm vấn đề này?”, ông Mẫn nêu và đề nghị đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ.

Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc đề xuất hệ thống thanh tra chỉ 2 cấp liên quan tới chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, ông Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần có lý giải thấu đáo vấn đề này.

“Tôi nghĩ vấn đề này tiếp tục nêu để Quốc hội thảo luận, mình chưa nên chốt chặt chỗ nào. Quan trọng là lập luận tại sao lại là 3 cấp, tại sao là 2 cấp, cũng không nề hà lắm về chiến lược đã ban hành, vì chiến lược cũng là văn bản mang tính định hướng, quan trọng làm sao phải thuyết phục được chuyện này”, ông Huệ nhấn mạnh.

Luật Thanh tra hiện hành được ban hành năm 2010. Dự thảo luật Thanh tra sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 tháng 5.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.