Đề nghị bỏ tích hợp một số môn học: Nhiều ý kiến đồng tình

25/07/2023 17:15 GMT+7

Bài viết Nên bỏ tích hợp một số môn học để "lối cũ ta về" đăng trên Thanh Niên ngày 24.7 của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, nhận được rất nhiều quan tâm và ủng hộ của bạn đọc là giáo viên và cả phụ huynh.

Bài viết Nên bỏ tích hợp một số môn học để "lối cũ ta về", Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang chỉ ra cụ thể những bất cập, khiên cưỡng, rắc rối, "không thấy ưu điểm" trong việc triển khai thực hiện tích hợp 3 môn lý, hóa, sinh thành môn khoa học tự nhiên; tích hợp 2 môn sử, địa thành môn lịch sử và địa lý ở cấp THCS theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đề nghị bỏ tích hợp một số môn học: Nhiều ý kiến đồng tình   - Ảnh 1.

Bài đăng trên báo Thanh Niên được nhiều người hưởng ứng

CHỤP MÀN HÌNH

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cũng nêu đề xuất: "Sau khi thay toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 (năm 2025), đề nghị Quốc hội và Chính phủ đánh giá toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các bộ sách giáo khoa đã được sử dụng. Theo tôi, nên bỏ việc tích hợp một số môn học ở THCS. Lối cũ ta về: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý là những môn học độc lập, sách giáo khoa in riêng cho từng môn".

Bài viết đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc (BĐ) là chuyên gia giáo dục, giáo viên và cả phụ huynh có con đang học theo chương trình mới.

Tích hợp chỉ để tiết kiệm 1 cái bìa sách hay sự "cưỡng hôn"? 

BĐ tên Lê Đức Đồng bình luận: "Ngay từ đầu đổi mới chương trình, tôi và nhiều đồng nghiệp đã nghi ngờ tính khả thi "tích hợp" khi gom một số môn vào một mâm! Giáo viên được đào tạo đơn môn, vừa đúng khả năng vừa đi sâu vào chuyên môn. Nay phải dạy cả những phân môn chưa từng được đào tạo là không thể! Sau đó phải đi tập huấn dạy liên môn cũng chỉ là cách chữa cháy nhất thời, không bài bản! Tôi đồng ý như đề xuất của bài báo".

BĐ Hoàng Giang cùng chung quan điểm khi chia sẻ: "Tôi trực tiếp đứng lớp dạy hơn 20 năm, tôi cảm thấy việc tích hợp này không khả thi dù giáo viên có đào tạo bổ sung thêm, thì cũng chưa chắc tự tin như môn mình đã dạy, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT nên có đánh giá khách quan và đưa về chương trình riêng biệt".

BĐ tên Viettroad bình luận: "Ở trường con tôi học tích hợp lịch sử và địa lý nhưng 2 cô dạy. Tới môn nào thì cô đó đứng lớp. Tôi thường nói vui rằng người ta tích hợp lịch sử, địa lý để tiết kiệm một cái bìa sách nhưng bù lại học sinh phải vác nặng hơn vì học một môn phải mang sách cả hai môn".

BĐ Trần Văn Tám than: "Thầy trò đều khổ dạy và học môn tích hợp lắm rồi". BĐ P.T.N thì kể: "Môn khoa học tự nhiên, có phân môn giáo viên dạy 'è cổ' từ tháng 9 đến tháng 2. Còn từ tháng 3 đến tháng 8 là nghỉ hè".

Một giáo viên tên N.Y ví von khi bài này được chia sẻ trên một diễn đàn dành cho giáo viên: "Có người gọi môn tích hợp này là sự cưỡng hôn".

Người viết sách "đâu có hiểu"

BĐ tên An Bình cũng chia sẻ nỗi khổ khi yêu cầu giáo viên đơn môn đi "bồi dưỡng" để dạy tích hợp: "Mấy 'cụ' viết sách đâu có hiểu cái cảnh phải phân công chuyên môn, giáo viên dạy bộ môn hóa sau 3 tháng học dạy được cả sinh và lý, các vị có thấy rằng chưa chắc học chuyên môn lý mà đã dạy tốt lý, chỉ chết học sinh thôi nếu cứ bắt họ dạy".

Cũng theo BĐ An Bình, để tích hợp được về cơ bản 1 giáo viên cần phải có kiến thức tốt và chuyên sâu cho từng môn học rồi hãy nghĩ đến việc dạy môn tích hợp.

BĐ Tran Nghia cũng bày tỏ sự đồng ý với tác giả bài viết và phân tích: "Tôi chỉ nêu lên sự vô lý trong cách học tích hợp 3 môn: hóa, lý, sinh. Học theo chủ đề, trung bình mỗi chủ đề khoảng 1 tháng đến 1 tháng rưỡi. Có nghĩa là học sinh học xong mỗi môn học cách nhau cả tháng. Vậy cho hỏi sau khi học qua chủ đề lý và sinh, quay về chủ đề hóa thì học sinh còn nhớ nổi kiến thức không. Chưa kể mỗi chủ đề toàn gộp một đống kiến thức bắt học sinh phải 'tiêu hóa' hết. Tích hợp là gộp kiến thức của sách cũ và 1 phần của THPT. Đúng như tác giả nói: lẩu thập cẩm".

BĐ lấy tên Ngày Của Gió cũng cho rằng: "Tích hợp làm gì, như nồi lẩu thập cẩm. Mệt học sinh mà vất vả cả giáo viên". BĐ C.Lam đề nghị "tách bạch rạch ròi, môn nào ra môn đó, giáo trình hay sách đi kèm cũng vậy".

Một bạn đọc khác thì viết: "Thật sự, tôi thấy chương trình mới những môn độc lập môn nào cũng ổn. Chỉ có 2 môn tích hợp là "nhảm" nhất, chả hiểu tích hợp cái gì? Tác giả gọi là môn 'xôi đỗ' rất hợp lý. Chỉ khổ học sinh và giáo viên. Con tôi là lứa 'chuột bạch' đầu tiên của chương trình phổ thông 2018".

Gửi ý kiến tới Báo Thanh Niên, một BĐ phân tích: "Tích hợp kiến thức nặng cho giáo viên, học sinh học thì rối. Môn học không phân bổ đều, đầu năm học lý, giữa năm học hóa, cuối năm học sinh. Chương trình vậy tôi nói ngắn ngọn là quá tệ, mong có sự thay đổi, xem xét trách nghiệm của người biên soạn".

Dự thảo báo cáo giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Quốc hội, cũng chỉ ra rằng: "Việc thiết kế nội dung tích hợp của môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý ở cấp THCS bộc lộ một số bất cập... Việc bố trí giáo viên dạy các môn học tích hợp được thực hiện không thống nhất; giáo viên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong dạy học tích hợp". 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.