Thiếu thuốc, bệnh nhân bị hoại tử chân
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa qua đơn vị này đã tiếp nhận một bệnh nhân được chuyển lên từ bệnh viện tỉnh.
Bệnh nhân có mắc bệnh đái tháo đường, được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ngón chân đã bị hoại tử và lan rộng, có nguy cơ phải tháo chân để ngăn hoại tử lan rộng hơn.
Người nhà bệnh nhân cho biết, khi ở tuyến tỉnh, bệnh viện hết thuốc điều trị, gia đình cũng chấp nhận tự mua, tuy nhiên việc điều trị vẫn không khả quan nên được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
“Đó là nguy cơ bị mất chân, nhưng nếu là mạng người thì sao?”, một lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai nêu câu hỏi, không giấu nỗi lo lắng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các tuần qua, có các bệnh nhân cần can thiệp mạch nhưng bệnh viện không có stent, nên nhiều bệnh nhân nặng, có chỉ định can thiệp nhưng phải chờ đợi nhiều ngày.
Hoặc như một đơn vị đầu ngành về phẫu thuật tim mạch của bệnh viện thuộc Bộ Y tế nhiều ngày hết thuốc chống đông máu (sử dụng với trường hợp tuần hoàn ngoài cơ thể), phải đi vay. “Bệnh viện Bạch Mai cũng đã điều chuyển thuốc cho các đồng nghiệp để có thể kịp thời mổ tim cho các bệnh nhân, tuy nhiên, việc này không thể kéo dài mãi, vì đó không phải là giải pháp”, một bác sĩ tim mạch chia sẻ.
Giá bộ dây truyền dịch hiện có nhà thuốc bán 190.000 đồng/bộ, tăng 40.0000 đồng so với các ngày trước đó |
BẢO CẦM |
Tại một số bệnh viện tại Hà Nội, bệnh nhân ung thư phải tự mua bộ dây truyền dịch tại các nhà thuốc tư nhân. Giá mua cũng leo thang, từ 150.000 đồng bộ hiện đã tăng lên 190.000 đồng/bộ.
“Một phần nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế liên quan đến vướng mắc về chính sách, quy định. Ví dụ như, quy định giá kế hoạch tham khảo giá trúng thầu trong trong 12 tháng qua, tuy nhiên, nhiều mặt hàng không có giá tham khảo, thì Bộ Y tế cần đàm phán để có giá hướng dẫn cho các bệnh viện với các trường hợp không có giá kế hoạch.
Hoặc yêu cầu giá kế hoạch thấp hơn giá trúng thầu, tuy nhiên, giá một số mặt hàng không có nhà thầu do giá thực tế tăng, trong khi giá kỹ thuật thì yêu cầu phải giảm thấp.
Hoặc việc xếp nhóm kỹ thuật chưa hợp lý khiến thiết bị của các hãng uy tín xếp chung với các hãng năng lực thấp hơn. Khi đấu thầu, các hãng năng lực thấp hơn thì lại có giá rẻ hơn. Như vậy, mua vật tư, thiết bị giá rẻ thì không thể tốt được”, một lãnh đạo bệnh viện thuộc Bộ Y tế đánh giá.
Đáng lưu ý, “các vấn đề vướng mắc hầu như đều do quy định tại một số thông tư do Bộ Y tế ban hành, về đấu thầu; về phân nhóm kỹ thuật chưa hợp lý. Do đó, Bộ Y tế có trách nhiệm tháo gỡ. Nếu liên quan đến các bộ, ngành thì Bộ Y tế cũng cần phối hợp để khẩn trương tháo gỡ”, một lãnh đạo bệnh viện thuộc Bộ Y tế nêu ý kiến.
Bộ Y tế cần đàm phán để có giá hướng dẫn cho các bệnh viện với các trường hợp không có giá kế hoạch.
Các máy đặt, máy mượn đang trong tình huống bị thổi còi, không được quỹ BHYT thanh toán; sử dụng dịch vụ các trang thiết bị đặt, mượn hiện vướng mắc. Bộ Y tế cần chủ động tháo gỡ hoặc phối hợp các bộ ngành, hoặc đề xuất lên cấp thẩm quyền để tháo gỡ.
(Một lãnh đạo bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế)
Bình luận (0)