Dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu, bia mà Bộ Y tế, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 27 diễn ra chiều nay, 17.9, quy định không được bán rượu qua mạng internet, đồng thời cả rượu và bia không được bán bằng máy bán hàng tự động.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 105 năm 2017 của Chính phủ, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên bị nghiêm cấm bán qua mạng internet và máy bán hàng tự động không được bán rượu.
Báo cáo thẩm tra dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày tại phiên họp cho biết, đối với vấn đề này, hiện còn 2 loại ý kiến khác nhau: loại ý kiến thứ nhất thống nhất với quy định của dự thảo và đề nghị bổ sung mặt hàng bia vào danh mục cấm bán trên internet nhằm làm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu bia.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc việc không hạn chế bán rượu, bia trên internet để tạo điều kiện cho người mua, người bán và phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo bà Thúy Anh, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng, để thống nhất với các quy định khác của luật về “giảm cung”, “giảm cầu” đối với rượu, bia và để có thể kiểm soát được độ tuổi của người mua (rất khó có thể quản lý qua internet), việc ban soạn thảo luật hóa quy định về cấm bán rượu qua internet từ Nghị định 105 là cần thiết.
Bên cạnh đó, Thường trực Uỷ ban này cũng đề nghị bổ sung thêm mặt hàng bia vào đối tượng không được bán trên internet, đồng thời nghiên cứu thêm đối với những hình thức bán hàng tương tự như bán hàng qua internet phổ biến ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, bà Thúy Anh cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định không được bán rượu trên mạng internet không khả thi và cũng không đồng bộ với việc không cấm quảng cáo trên mạng internet.
Bỏ quy định bắt doanh nghiệp đóng tiền chống tác hại rượu, bia
Trình bày tờ trình về dự án luật tại phiên họp chiều 17.9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, một trong những chính sách dự kiến đưa vào dự án luật là phát triển Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng trên trên cơ sở Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, với nguồn kinh phí từ khoản đóng góp bắt buộc từ rượu, bia, thuốc lá.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính tập trung của ngân sách, các nghị quyết của T.Ư về tinh giản bộ máy, biên chế và không thu nhiều loại thuế, phí trên đầu một loại sản phẩm, Chính phủ thống nhất đề nghị không quy định về nội dung này vào luật.
Bà Tiến giải thích, quá trình xây dựng, nhiều ý kiến đề nghị quy định về huy động nguồn kinh phí cho phòng chống tác hại rượu, bia từ khoản đóng góp bắt buộc từ rượu, bia để có nguồn kinh phí riêng thay thế phần ngân sách chưa có điều kiện chi hiện nay, do người sử dụng rượu, bia đóng góp, được tính vào giá bán, do doanh nghiệp nộp hộ, để không ảnh hưởng đến ngân sách.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, phương án này tạo ra một khoản thu thêm ngoài thuế mà về bản chất là giống thuế, tạo thêm nghĩa vụ cho doanh nghiệp. Do vậy, để bảo đảm tính tập trung của ngân sách và không thu nhiều loại thuế, phí trên đầu một loại sản phẩm, Chính phủ thống nhất không quy định việc thu khoản đóng góp bắt buộc từ rượu, bia.
Về kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại rượu, bia, bà Tiến cho biết, Chính phủ đề nghị quy định vào luật tại điều 23 dự thảo luật với nội dung: ưu tiên dành một phần kinh phí riêng trích từ số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia sau khi đã tổng hợp vào ngân sách để bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Mức trích do Chính phủ quyết định, được tổng hợp vào dự toán ngân sách báo cáo Quốc hội phê duyệt.
Bình luận (0)