Chiều 28.5, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, sau khi nhận được báo cáo từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi, đơn vị này đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, tìm hiểu nguyên nhân khiến 6 người bị ngộ độc phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
Cụ thể, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, Phòng Y tế và Trung tâm y tế TP.Quảng Ngãi tổ chức điều tra, thu thập thông tin, tìm hiểu nguyên nhân gây ngộ độc.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, đội ngũ y bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm, tích cực điều trị cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã lấy 9 mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân ngộ độc.
Theo khai báo của các bệnh nhân, khoảng 24 giờ ngày 24.5 đến 3 giờ ngày 25.5, có mua bánh mì tại cơ sở kinh doanh bánh mì T.T.D.A (ở chợ đầu mối nông sản tỉnh Quảng Ngãi, thuộc P.Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) để ăn. Đến 6 giờ ngày 25.5, các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt cao và đau đầu nên đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để khám và điều trị.
Bác sĩ Lương Văn Tuấn, Trưởng khoa Nhiệt đới Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, cho biết các bệnh nhân nhập viện có triệu chứng đau quặn bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Các triệu chứng không quá nặng nhưng bệnh nhân phải được điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm, truyền dịch giảm đau và dùng kháng sinh. Hiện sức khỏe các bệnh nhân đều ổn định, 1 bệnh nhân xuất viện và theo dõi tại nhà.
Khu vực chế biến thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh
Làm việc với cơ quan chức năng, bà T.T.D.A (chủ cơ sở kinh doanh bánh mì) cho biết, cơ sở của bà kinh doanh bánh mì từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Bánh mì có nhân gồm: thịt, chả, chà bông, trứng, nước thịt xay rim, tương ớt, bơ, rau.
Tại thời điểm điều tra, cơ quan chức năng xác định cơ sở bánh mì của bà A. chưa chứng minh được các thủ tục liên quan đến việc kinh doanh thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu.
Qua điều tra sơ bộ, các nguyên liệu làm nhân bánh mì như: nước thịt xay rim, tương ớt, bơ, thịt hon được bà A. chế biến tại nhà, sau đó vận chuyển đến nơi kinh doanh. Còn các thực phẩm khác, bà A. mua từ cơ sở bên ngoài. Khu vực chế biến thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh, chưa tách biệt với mối nguy ô nhiễm thực phẩm như: nhà vệ sinh, thoát thải.
Qua đó, cơ quan chức năng đề nghị cơ sở kinh doanh bánh mì của bà T.T.D.A tạm ngừng kinh doanh, chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Như Thanh Niên đã thông tin, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang điều trị cho 6 bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại một cơ sở kinh doanh bánh mì ở chợ đầu mối nông sản tỉnh Quảng Ngãi (thuộc P.Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi).
Bình luận (0)