Bộ trưởng ủy quyền tiếp công dân nhiều nhất
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ quan thẩm tra đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân, xử lý đối với các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Về thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, việc chấp hành quy định về số ngày tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm cả số ngày ủy quyền tiếp, được thực hiện tốt nhất là ở cấp chủ tịch UBND tỉnh, đạt 97% số ngày theo quy định, tiếp theo là chủ tịch UBND cấp huyện với 95%. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đạt 92% số ngày theo quy định và thấp nhất là chủ tịch UBND cấp xã với 84%.
Tuy nhiên, nếu tính số ngày trực tiếp tiếp công dân, cấp chủ tịch UBND xã lại thực hiện tốt nhất với 92% số ngày tiếp trực tiếp, ủy quyền tiếp là 8%. Trong khi đó, chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân đạt 84%, ủy quyền tiếp 16%, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp 82%, ủy quyền tiếp là 18%.
"Thực hiện thấp nhất là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khi trực tiếp tiếp 59%, ủy quyền tiếp 41%", ông Tùng thông tin.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần có địa chỉ bộ, ngành, địa phương nào tiếp công dân tốt, bộ, ngành, địa phương nào người đứng đầu ít tiếp công dân.
Tiếp công dân tốt, khiếu nại, tố cáo sẽ giảm
Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Quang Phương đề nghị cần công khai trên báo chí những lãnh đạo tỉnh được Ban Tiếp công dân T.Ư mời làm việc, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài nhưng không đến. Ông cũng đề nghị Chính phủ có công văn phê bình cấp ủy, chính quyền cũng như kiểm điểm nghiêm túc về trách nhiệm lãnh đạo các địa phương này.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền tiếp công dân chỉ 18%, cấp huyện là 16%, đặc biệt cấp xã chỉ 8% "là rất tốt". "Cách đây 5 năm thì việc ủy quyền lên tới trên 50%. Con số này là chuyển biến lớn lao. Bởi vì số buổi tiếp công dân là một chuyện nhưng chất lượng buổi tiếp còn quan trọng hơn. Nếu người đứng đầu, có thẩm quyền giải quyết trực tiếp tiếp công dân sẽ tốt hơn", bà Hải nói.
Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho rằng nếu các cơ quan, địa phương thực hiện tốt việc tiếp công dân theo quy định thì việc khiếu nại, tố cáo sẽ giảm. Chủ tịch QH cho hay khi ông còn làm Bí thư, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã quy định: nếu ở xã, phường, thị trấn, dân khiếu kiện thì bí thư, chủ tịch xã, phường chịu trách nhiệm kiểm điểm trước cấp trên. Bởi lẽ, nếu giải quyết được ở địa phương, cơ sở thì khiếu nại sẽ không đẩy lên cấp trên. "Ở cấp xã nếu giải quyết triệt để, tận gốc sẽ không khiếu kiện lên huyện. Nếu huyện quan tâm giải quyết thì không lên tỉnh. Nếu tỉnh quan tâm thì không có đoàn ra T.Ư. Trên T.Ư không tài nào giải quyết đơn từ khiếu nại mà không có trách nhiệm xử lý gốc là ở địa phương", Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng thôi làm đại biểu QH
Chiều 26.9, Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho hay vào chiều 25.9, Ủy ban Thường vụ QH đã họp để xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH (ĐBQH) khóa XV đối với ông Trần Đình Văn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.
Căn cứ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, tờ trình của Ban Công tác ĐB và đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH ngày 16.9 của ông Trần Đình Văn, Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận, bỏ phiếu kín thông qua và ban hành Nghị quyết 1184 về việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH đối với ông Văn.
Tại kỳ họp 45 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đầu tháng 8 vừa qua, ông Trần Đình Văn đã bị cơ quan này kỷ luật cảnh cáo. Theo đó, ông Văn và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng được xác định có trách nhiệm trong các sai phạm liên quan vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại dự án Khu đô thị Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng và các địa phương, đơn vị có liên quan.
Bình luận (0)