Đề nghị công khai người đứng đầu đơn vị không tiếp dân

12/10/2023 07:54 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ và công khai thông tin các đơn vị nào mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp dân, kể cả cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng các ngành, đồng thời báo cáo Quốc hội.

Ngày 11.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 27, cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu khai mạc.

Tiếp ít, ủy quyền nhiều

Thay mặt Chính phủ báo cáo, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết trong năm 2023, có 390.980 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tăng 37,5% so với năm 2022 với tổng số người được tiếp là 433.832 người (tăng 41,8%) về 294.622 vụ việc (tăng 33,2%); có 2.929 đoàn đông người (tăng 26,6%).

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện tiếp công dân 143 ngày, đạt 92% số ngày tiếp theo quy định, với 317 lượt công dân được tiếp. Trong đó trực tiếp tiếp công dân 65 ngày, ủy quyền cho cấp phó tiếp 78 ngày (chiếm 55%). Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện tiếp công dân 793 ngày (đạt 112% số ngày tiếp theo quy định) với 6.749 lượt công dân được tiếp. Trong đó, trực tiếp tiếp công dân 708 ngày, ủy quyền cho cấp phó tiếp 169 ngày (chiếm 21%).

Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2023 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý việc công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh so với ở địa phương, nhất là về số lượng đoàn đông người (ở các bộ, ngành tăng 268,6%), cho thấy tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở T.Ư năm 2023 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ông Tùng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân, rút bài học kinh nghiệm để có giải pháp xử lý, khắc phục phù hợp.

Đề nghị công khai bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh không tiếp dân - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

GIA HÂN

Liên quan việc tiếp công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, công tác này của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có chuyển biến tích cực (đạt 79%), cao hơn 2% so với năm 2022 và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2021. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trực tiếp tiếp công dân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định. "Đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp ít, ủy quyền nhiều", ông Tùng nêu.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng trong báo cáo gộp số ngày thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trực tiếp tiếp công dân với số ngày ủy quyền cho cấp phó tiếp là chưa bảo đảm theo luật, chưa phản ánh chính xác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp tiếp công dân.

Rõ "địa chỉ" để có chế tài

Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ và công khai thông tin các đơn vị nào mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp dân, kể cả cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng các ngành, đồng thời báo cáo Quốc hội. "Nếu chúng ta có địa chỉ, công khai thì tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực", bà Nga đề xuất.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị bổ sung rõ "địa chỉ" cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp dân để xác định trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp. Từ đó giúp cho công tác tiếp công dân ở những nơi này có chuyển biến.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thực tế có nhiều người đứng đầu địa phương "đúng là rất bận" nhưng thực tế cũng không dành thời gian tiếp dân theo quy định. Theo ông Cường, qua tiếp xúc cử tri ở các địa phương, nhiều phản ánh về việc bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp dân. "Theo quy định, mỗi tháng, người đứng đầu cấp ủy tiếp dân một lần nhưng không nhiều địa phương đảm bảo việc này. Chủ tịch UBND tỉnh cũng vậy, chủ yếu là giao cấp phó làm thay", ông Cường nói.

Tuy vậy, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, đề xuất công khai bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân không đảm bảo quy định "thì tốt, nhưng cũng rất nhạy cảm, tế nhị". Thay vào đó, theo ông Cường, cần có quy định để buộc các đơn vị giải trình để họ phải thay đổi, quan tâm hơn đến việc tiếp dân.

Trình Quốc hội lộ trình cải cách tiền lương từ 1.7.2024

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên họp lần này sẽ cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2021 - 2025.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII tuần qua đã cho ý kiến về tình hình thực hiện phát triển KT-XH, dự toán ngân sách 2023, kế hoạch 2024 và lộ trình cũng như phương án cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024. Do đó, ông đề nghị trên cơ sở ý kiến kết luận của T.Ư, đặc biệt là kết quả Diễn đàn KT-XH năm 2023 vừa tổ chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sâu vào các báo cáo như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị T.Ư 8, để trình Quốc hội xem xét quyết định nội dung quan trọng nói trên.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.