Đây là thông tin được ông Nguyễn Duy Kiên, Phó cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết. Theo ông Kiên, trong chiều nay, 20.10, Bộ LĐ-TB-XH đang họp về nội dung này và sẽ sớm có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo công văn của Bộ Quốc phòng, chấp hành chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy T.Ư và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; theo công văn đề nghị số 4320/UBND-NN ngày 17.10.2020 của UBND tỉnh Quảng Trị, Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động lực lượng quân đội, trong đó có cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 337 thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực H.Hướng Hóa (Quảng Trị); trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, 22 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh do sạt lở đất đá.
Theo Bộ Quốc phòng, sự hy sinh của 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337, Quân khu 4 tiếp tục khẳng định phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng vì nhân dân phục vụ.
Mặt khác, địa bàn làm nhiệm vụ, hy sinh là khu vực trọng điểm Quốc phòng - an ninh, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (xã Hướng Phùng, H. Hướng Hóa) xứng đáng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận công lao đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Quốc phòng cho rằng, căn cứ quy định tại điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, 22 quân nhân hy sinh trong trường hợp nêu trên, đủ điều kiện được công nhận liệt sĩ và truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.
Việc ghi nhận này nhằm đảm bảo quyền lợi cho gia đình; kịp thời động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ tiếp tục làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; cổ vũ các thế hệ tiếp sau lên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đồng ý đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ, truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công"đối với 22 quân nhân đã hy sinh, đề kịp thời tổ chức lễ truy điệu và an táng liệt sĩ.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH các địa phương (nơi có quân nhân hy sinh) phối hợp với đơn vị quân đội và cơ quan quân sự địa phương tổ chức lễ an táng 22 quân nhân hy sinh tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương.
Tại công văn này, Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ, do điều kiện và thời gian gấp và đề nghị kịp thời trao Bằng “Tổ quốc ghi công” khi tổ chức lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ, vì vậy, về hồ sơ đề nghị công nhân liệt sĩ đối với 22 quân nhân hy sinh nêu trên, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo cơ quan, đơn vị xác lập theo quy định hiện hành và báo cáo sau.
Danh sách 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 mất tích do lở đất1. Lê Hương Trà (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp
2. Trần Văn Toàn (37 tuổi, quê Nghệ An) - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp
3. Nguyễn Văn Thu (36 tuổi, quê Nghệ An) - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp
4. Lê Đức Thiện (40 tuổi, quê Thanh Hóa) - Thượng úy
5. Trần Quốc Dũng (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) - Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp
6. Lê Cao Cường (37 tuổi, quê Nghệ An) - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp
7. Nguyễn Cao Cường (43 tuổi, quê Hà Tĩnh) - Thiếu tá
8. Nguyễn Cảnh Trung (42 tuổi, quê Nghệ An) - Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp
9. Bùi Đình Toàn (50 tuổi, quê Nghệ An) - Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp
10. Ngô Bá Văn (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp
11. Lê Văn Quế (49 tuổi, quê Quảng Trị) - Thượng tá
12. Lê Đức Hải (31 tuổi, quê Quảng Bình) - Trung úy
13. Phùng Thanh Tùng (41 tuổi, quê Nghệ An) - Thiếu tá
14. Phạm Ngọc Quyết (43 tuổi, quê Quảng Trị) - Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp
15. Cao Văn Thắng (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) - chiến sĩ
16. Lê Tuấn Anh (20 tuổi, quê Quảng Trị) - chiến sĩ
17. Nguyễn Anh Duy (quê Nghệ An) - chiến sĩ
18. Phạm Văn Thái (20 tuổi, quê Quảng Bình) - chiến sĩ
19. Hồ Văn Nguyên (22 tuổi, quê Quảng Trị) - chiến sĩ
20. Lê Sỹ Siêu (quê Hà Tĩnh) - chiến sĩ
21. Lê Thế Linh (quê Quảng Trị) - chiến sĩ
22. Nguyễn Quang Sơn (quê Nghệ An) - chiến sĩ.
|
Bình luận (0)