Đề nghị Đà Nẵng báo cáo tình trạng người Trung Quốc sử dụng đất trọng yếu

20/05/2020 13:30 GMT+7

Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đề nghị UBND TP.Đà Nẵng báo cáo về tình trạng cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng đất ở vị trí ven biển, trọng yếu về an ninh quốc phòng trước ngày 25.5.

Bộ Tài nguyên - Môi trường mới có văn bản gửi UBND TP.Đà Nẵng nêu rõ, vài ngày gần đây, một số cơ quan báo chí đưa tin về tình trạng cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng đất tại một số vị trí dọc các khu đô thị ven biển trọng yếu về quốc phòng, an ninh tại TP.Đà Nẵng.
Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị TP.Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh từng trường hợp, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên - Môi trường trước ngày 25.5 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

2 người Trung Quốc đầu tư cho 8 người Việt "núp bóng" mua đất

Trước đó, gửi kiến nghị đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, cử tri TP.Hải Phòng cho rằng, "tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay là rất đáng ngại"; đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục. Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Quốc phòng đã thống kê khá rõ ràng về việc người Trung Quốc sở hữu đất có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP.Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP.Đà Nẵng.

Dọc tường rào khu vực sân bay Nước Mặn (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có nhiều lô đất do người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Ảnh Hoàng Sơn - Đồ họa Hồng Sơn

Các lô đất này nằm tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp (thuộc P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn); khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang (Q.Sơn Trà).
Về cá nhân, có 2 trường hợp là ông Liang Zhipei (Lương Chí Bồi, 45 tuổi), quốc tịch Trung Quốc, từng là kế toán trưởng, nay là Trưởng bộ phận giám sát công trình Công ty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shores (trụ sở P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn) và ông Chiu Cheng Tai (A Chiu, 61 tuổi), quốc tịch Đài Loan, Phó giám đốc Công ty TNHH Pu Fong (trụ sở tại P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà), đã đầu tư cho người Việt Nam "núp bóng" mua đất.
Từ năm 2011 đến 2015, hai trường hợp trên đã đầu tư tiền cho 8 người (trong đó 6 người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỉ đồng.
Về doanh nghiệp, có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm.

Góp vốn bằng đất, sau đó bị đối tác Trung Quốc "thâu tóm"

Theo Bộ Quốc phòng, để sở hữu các lô đất ở TP.Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức.
Thứ nhất, là thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, người Trung Quốc tăng vốn, giành quyền điều hành doanh nghiệp. Do tài sản góp vốn là đất, nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.
Thứ hai, là người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp cá nhân có kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất, như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô... Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.