Đề nghị giảm thêm thuế nhập khẩu để hạ giá xăng dầu

23/03/2022 14:50 GMT+7

Chính phủ đề nghị giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, chỉ nên giảm 38% và đề nghị Chính phủ cân nhắc giảm thêm thuế nhập khẩu để hạ giá xăng dầu .

Chính phủ đề xuất giảm 50 - 70% so với hiện hành

Chiều 23.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 9 xem xét thông qua nghị quyết về việc giảm thuế với xăng, dầu theo đề xuất của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường

gia hân

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề nghị giảm từ 50 - 70% mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu hiện hành.

Cụ thể, xăng (trừ etanol) giảm xuống mức thuế 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazút, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm xuống mức thuế 1.000 đồng/lít (giảm 50% so với các mức thuế hiện hành); dầu hỏa giảm xuống mức thuế 300 đồng/lít (giảm 70% so với mức thuế hiện hành).

Nhiên liệu bay giữ nguyên mức hiện hành là 1.500 đồng/lít.

Thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu từ 1.4.2022 đến hết 31.12.2022.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban này thống nhất với các mức giảm thuế theo đề xuất tại tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ chưa báo cáo rõ căn cứ tính toán mức độ giảm thuế đối với từng mặt hàng theo các kịch bản điều hành tương ứng với mức độ biến động của giá dầu thô trên thế giới.

Ông Cường phân tích, trên thực tế, vừa qua giá dầu thô trên thị trường thế giới đã biến động khó lường. Tại thời điểm Chính phủ dự thảo tờ trình, giá dầu có lúc đã lên tới mức 130 USD/thùng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, giá dầu thô đã giảm xuống quanh mức 100 - 110 USD/thùng.

Từ đó, ông Cường đề nghị Chính phủ giải trình rõ các căn cứ để xác định và đề xuất mức giảm đều 50% đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu và bổ sung số liệu so sánh giá xăng, dầu với các nước trong khu vực để tránh buôn lậu, chuyển xăng, dầu ra bên ngoài.

Cũng theo ông Cường, một số ý kiến cho rằng, mức độ điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường cần được tính đến diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới trong những ngày gần đây và không nên giảm đều cho tất cả các mặt hàng (trừ dầu hỏa) ở mức 50%.

Đồng tình với ý kiến này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ giảm đối với mặt hàng xăng xuống mức 2.500 đồng/lít, tương đương giảm gần 38% so với mức hiện hành; các mặt hàng dầu (dầu diesel, dầu mazút, dầu nhờn, mỡ nhờn) giảm 50%; dầu hỏa giảm 70% so với mức hiện hành.

Ông Cường cũng cho hay, có ý kiến cho rằng, giá dầu thô biến động lớn, khó lường, có thể xây dựng phương án giảm thuế bảo vệ môi trường theo mức giá dầu thô để bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, cân đối ngân sách nhà nước.

Cụ thể như, giá dầu thô dưới 80 USD/thùng giữ mức thuế như quy định hiện hành; giá dầu thô từ 80 - 130 USD/thùng có thể giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng, các mặt hàng khác giảm tương ứng (giảm 25% so với hiện hành); giá dầu thô từ 130 USD/thùng trở lên thì giảm 1.500 - 2.000 đồng/lít (tương đương giảm 38 - 50% so với hiện hành).

Cân nhắc giảm các sắc thuế khác, giảm thời gian điều hành giá

Về vấn đề loại thuế được lựa chọn giảm, ông Cường cho hay, đa số ý kiến cho rằng, trong điều kiện và thực tế của Việt Nam hiện nay, việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường để điều tiết giá xăng dầu là biện pháp chính sách phù hợp.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay, một số ý kiến cho rằng, đa số các quốc gia thực hiện giảm thuế thông qua chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (với vai trò là thuế gián thu để hạn chế tiêu dùng, được sử dụng như công cụ điều tiết tiêu dùng và qua đó là cả sản xuất).

"Vì vậy, đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin, làm rõ hơn về kinh nghiệm của các nước trong việc giảm thuế bảo vệ môi trường", ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết, nhiều ý kiến đánh giá, thuế nhập khẩu cũng là một công cụ chính sách phù hợp, có thể được sử dụng để linh hoạt điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách phân tích, việc điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu cụ thể trong phạm vi khung thuế suất và mức cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, như vậy sẽ bảo đảm tối đa tính kịp thời và linh hoạt.

Theo ông Cường, thuế suất nhập khẩu trong cam kết với WTO hiện là 20% (đối với xăng), Việt Nam được phép điều chỉnh tăng, giảm trong phạm vi này, đảm bảo không vượt quá mức cam kết 20%.

Từ đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc khả năng điều hành giảm thuế nhập khẩu của mặt hàng xăng như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có biến động.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị, trong điều hành giá xăng, dầu, Chính phủ nghiên cứu khả năng giảm chu kỳ điều hành giá xăng, dầu (hiện nay là 10 ngày) để cập nhật hơn với biến động của thị trường thế giới, tránh tình trạng buôn lậu xăng, dầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.