Đề nghị gỡ vướng thuế, tài chính cho cơ quan báo chí

29/11/2023 07:24 GMT+7

Bộ TT-TT vừa có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn về thuế, tài chính... cho cơ quan báo chí.

Kiến nghị áp dụng thuế TNDN 10% cho báo chí

Bộ TT-TT cho rằng hiện nay các cơ quan báo in đã được nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với thuế suất là 10%.

Đề nghị gỡ vướng thuế, tài chính cho cơ quan báo chí - Ảnh 1.

Kinh tế báo chí ngày càng khó khăn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan báo chí (CQBC) có hai loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử). Trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu. Do đó Bộ đề xuất nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế…

Trong văn bản kiến nghị, Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính xem xét 5 nhóm vấn đề. Thứ nhất là đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 60/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ 2 là nhóm ý kiến về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Thứ 3 là nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá. Thứ 4 là nhóm ý kiến về chính sách thuế TNDN. Thứ 5 là các ý kiến về bố trí kinh phí hoạt động, mua sắm phương tiện tác nghiệp cho các CQBC và hướng dẫn chế độ chi cho các cơ quan báo chí.

Chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp


Kế toán trưởng một đơn vị báo chí

Cụ thể, Bộ TT-TT còn đề xuất một số điểm khác sửa đổi, bổ sung về lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó cho tính chi phí khấu hao tài sản cố định khi đặt hàng, đấu thầu, cung cấp dịch vụ báo chí, truyền thông (không phân biệt đơn vị có mức độ tự chủ khác nhau) để hỗ trợ CQBC, xuất bản chủ động về nguồn tài chính đầu tư tài sản, phương tiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời bổ sung quy định phân loại rõ nguồn tài chính đơn vị được tự chủ. Trên cơ sở đó có hướng dẫn cụ thể việc xác định kết quả tài chính phù hợp.

Hay ở nhóm kiến nghị thứ 2, Bộ TT-TT đề nghị xem xét, sửa đổi quy định tính chi phí tiền lương trong giá đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Người làm báo nguy cơ giảm mạnh thu nhập

Kế toán trưởng một đơn vị báo chí cho biết các kiến nghị của Bộ TT-TT đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc của CQBC trong thời gian qua. Chẳng hạn đề xuất thuế TNDN thống nhất về mức 10% sẽ hỗ trợ CQBC bởi thu nhập từ báo điện tử, báo hình hiện nay là chính nhưng mức thuế suất thuế TNDN là 20%. Hay kiến nghị về xác định chi phí tiền lương trong giá đặt hàng đối với các đơn vị nhóm 1, nhóm 2 sẽ giúp CQBC xác định tính giá thực tế hơn đối với khách hàng…

Ngoài ra, trong những tháng gần đây, nhiều CQBC hoang mang khi không biết có được phép trừ chi phí tiền lương thực trả cho người lao động hay không.

Cụ thể, trước đây, nhằm hỗ trợ các CQBC duy trì ổn định bộ máy tổ chức và đảm bảo nguồn chi trả lương cho đội ngũ nhân viên an tâm công tác, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 150/2010 ngày 27.9.2010 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế TNDN đối với CQBC.

Trong đó có quy định: "Chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp".

Quy định trên đã giúp các CQBC phản ánh đúng các khoản chi phí, thu nhập chịu thuế TNDN và đảm bảo nguồn thu nhập cho lực lượng phóng viên, người lao động. Tuy nhiên, từ ngày 3.4.2023, Thông tư 150 bị bãi bỏ nên theo vị kế toán trưởng này, CQBC chưa biết phải thực hiện theo quy định nào đối với phần thu nhập tăng thêm. Một số tờ báo tự chủ về tài chính, thực hiện nộp thuế như doanh nghiệp, nhưng vẫn nằm chung trong nhóm các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập và bị chi phối bởi các quy định thuộc nhóm này. Tức chi phí tiền lương áp dụng theo Nghị định 60/2021.

Mà thực hiện theo lương ngạch bậc nhà nước, lương phóng viên, người lao động sẽ ở mức thấp. Cơ quan báo chí muốn chi thêm thu nhập cho người lao động phải trích từ Quỹ bổ sung thu nhập. Quỹ này cũng chỉ được tối đa không quá 2 lần lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do nhà nước quy định nên quỹ này cũng ở mức rất thấp.

Điều này dẫn đến thu nhập trước thuế của các đơn vị báo chí tăng và phải nộp thuế TNDN nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác có doanh thu tương đương. Trong khi các doanh nghiệp khác vẫn được khấu trừ hết toàn bộ tiền lương thực trả vào chi phí hằng năm trước khi nộp thuế. Đây là một bất cập lớn nhất đối với CQBC trên cả nước, đặc biệt trong tình hình kinh tế báo chí đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, nguồn thu lao dốc.

Vị kế toán trưởng trên kiến nghị Bộ Tài chính nên quy định rõ: "Chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp".

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng trước đây Thông tư 150 gỡ nút thắt cho CQBC khi thực trả lương cho người lao động. Khi Thông tư 150 bị hủy, CQBC nếu thực hiện theo lương ngạch bậc được đề cập tại Nghị định 60/2021 thì phần tiền công - tiền lương sẽ giảm đi rất nhiều.

Ví dụ, trước đây lương là 15 triệu đồng/tháng, trong đó lương theo ngạch bậc là 5 triệu đồng, còn lại là thu nhập theo năng suất. Trường hợp CQBC chỉ được phép đưa vào chi phí tiền lương theo ngạch bậc thì phần lương thực nhận lúc này của người lao động chỉ có thể xuống còn 8 - 9 triệu đồng. Bởi phần thu nhập 10 triệu đồng (lấy 15 triệu đồng trừ 5 triệu đồng) phải đóng thuế TNDN, trích các quỹ theo quy định rồi mới được phép chi từ Quỹ bổ sung thu nhập cho người lao động. Nhiều khi phần thu nhập này trích hết các quỹ thì cũng không còn bao nhiêu để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Với cơ chế tiền công - tiền lương này sẽ bó hẹp, dẫn tới chảy máu chất xám đối với CQBC 100% tự chủ.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Tú đề xuất khi Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 60 thì phát huy những tác dụng của những quy định cũ như Thông tư 150 đã thực hiện trong suốt thời gian qua.

Đừng sợ thất thu thuế

Trường hợp CQBC trả lương cao cho người lao động thì cũng đừng sợ thất thu thuế bởi đã có thuế thu nhập cá nhân "chặn" lại. Hơn nữa, quy định này cũng nhằm khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công tự cân đối thu chi, giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Cũng như thống nhất với luật thuế TNDN, cho phép đơn vị được trừ lương thực tế như các doanh nghiệp, tạo công bằng đối với các thành phần kinh tế. Đồng thời, điều này cũng tránh được tình trạng một khoản thu nhập đánh thuế trùng hay tính thuế trên lợi nhuận "ảo". Do đó, cần cho CQBC được phép trừ chi phí tiền công - tiền lương thực trả như đã làm trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Ngọc Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.