Đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

18/03/2023 06:23 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư tại dự thảo luật Nhà ở sửa đổi như đề xuất của Chính phủ, tại phiên họp thứ 21, chiều 17.3.

Tại dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định chấm dứt quyền sở hữu chung cư khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc các trường hợp phải phá dỡ. Sau khi chấm dứt quyền sở hữu chung cư, các chủ sở hữu được quyền tiếp tục sử dụng đất chung của nhà chung cư để xây dựng nhà chung cư, trường hợp do quy hoạch không được tiếp tục xây dựng nhà chung cư thì được nhà nước bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định.

Đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư  - Ảnh 1.

Chính phủ đang đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Nhật Thịnh

E rằng đưa ra toàn dân sẽ phản ứng

Nêu ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng việc Chính phủ đề xuất chấm dứt quyền sở hữu chung cư như dự thảo luật Nhà ở sửa đổi là chưa chặt chẽ về pháp lý, gây mâu thuẫn ngay trong dự thảo. Cho rằng người ở chung cư thường thu nhập thấp hơn người ở nhà đất, biệt thự, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay nếu quy định nhà chung cư phá dỡ do nửa chừng xuống cấp hay thiên tai động đất sẽ chấm dứt quyền sở hữu thì "e rằng đưa ra toàn dân sẽ phản ứng".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì bày tỏ ủng hộ quan điểm tiếp cận sở hữu nhà chung cư có thời hạn và có điều kiện mà Chính phủ đề xuất nhằm khắc phục việc phá, dỡ nhà chung cư hết niên hạn sử dụng. Ông Thanh dẫn chứng khi còn ở địa phương, không có cách nào vận động người dân di dời khi phá dỡ chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc không đảm bảo điều kiện an toàn. Ông Thanh cho rằng chính sách này cần thiết nhưng

Chính phủ cần làm rõ, báo cáo Quốc hội để Quốc hội có quyết sách.

Vướng mắc có phải do thời hạn sở hữu chung cư?

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phải xác định rõ: "Vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ có phải ở quy định sở hữu này hay không? Bắt cho đúng bệnh thì chúng ta có đối sách phù hợp".

Chủ tịch Quốc hội chỉ ra theo các quy định tại Hiến pháp, bộ luật Dân sự thì ngay cả khi chung cư bị tiêu hủy, quyền của chủ sở hữu nhà chung cư vẫn bị tồn tại chứ không phải bị chấm dứt như dự thảo luật. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết các ý kiến không tán thành đề xuất cũng cho rằng không thể đồng nhất giữa 2 phạm trù quyền sở hữu và thời hạn sử dụng chung cư. Theo đó, thời hạn sử dụng nhà chung cư hay nôm na là "tuổi thọ" nhà chung cư là khái niệm về kỹ thuật xây dựng, khác với phạm trù quyền sở hữu, một khái niệm pháp lý.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên chia ra nhiều trường hợp điều kiện khác nhau với chung cư bắt buộc phải phá dỡ, cải tạo. Chẳng hạn, chung cư bắt buộc phải phá dỡ do bất khả kháng vì thiên tai, dịch họa, hỏa hoạn; hoặc do mất an toàn, nguy hiểm. Chủ tịch Quốc hội đồng thời đề nghị cần phân biệt việc tháo dỡ, cải tạo hay tiêu hủy tòa chung cư độc lập cụ thể hay cải tạo cả khu chung cư như Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương đang làm.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay đề xuất này cũng xuất phát từ việc cải tạo chung cư cũ hiện nay ở Hà Nội, TP.HCM và trên cơ sở kinh nghiệm các nước trong khu vực, quốc tế. Ông Nghị nhấn mạnh dự thảo luật Nhà ở sửa đổi chỉ quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt. "Chưa hết hạn nhưng mất an toàn cho cư dân cũng phải phá dỡ và chỉ chấm dứt quyền sở hữu khi chung cư bị phá dỡ", ông Nghị nói và cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc rà soát, quy định kỹ hơn.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định qua thảo luận UBTVQH, MTTQ VN cơ bản đề nghị không quy định thời hạn sở hữu chung cư. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về việc nhà nước có quyền quyết định và có trách nhiệm tổ chức thực hiện di dời, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư không còn an toàn; đồng thời quy định các trường hợp cụ thể, trình tự thủ tục, phương án tiến hành, quyền và nghĩa vụ các chủ thể liên quan.

Cân nhắc việc cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi

Trong ngày 17.3, UBTVQH đã xem xét đề nghị bổ sung 2 dự luật gồm luật Căn cước công dân (CCCD) sửa đổi và luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật năm 2023.

Nêu ý kiến thẩm tra với đề xuất bổ sung quy định cấp thẻ CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi trong dự án luật CCCD sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cân nhắc. Các cơ quan này phân tích độ tuổi dưới 14 tuổi, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thể chất, thay đổi nhanh về ngoại hình, khuôn mặt… nên thông tin nhân dạng nếu không được cập nhật thường xuyên sẽ thiếu chính xác.

Trong khi đó, phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là các giao dịch đòi hỏi phải có thẻ CCCD, thường phải có cha, mẹ hoặc người giám hộ đại diện. Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá hồ sơ đề nghị chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ CCCD của lứa tuổi này, trong khi việc cấp thẻ cho dù là theo yêu cầu tự nguyện nhưng vẫn phát sinh kinh phí sản xuất thẻ và chi phí khác.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc cấp thẻ CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi là cần thiết để thực hiện quản lý nhà nước, các hoạt động KT-XH cũng như hội nhập quốc tế.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.