Đề nghị Quốc hội quyết định việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa

22/09/2023 09:50 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quyết định việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành sau phiên giám sát hồi giữa tháng 8 vừa qua.

Sách giáo khoa còn nhiều bất cập

Đề nghị Quốc hội quyết định việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên giám sát về chương trình, sách giáo khoa phổ thông hồi giữa tháng 8

GIA HÂN

Tại nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông.

Cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm nhà nước quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội với một số đối tượng và địa bàn.

Việc thực nghiệm sách giáo khoa chưa được coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô, chất lượng.

Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian.

Quy định về lựa chọn sách giáo khoa tại Thông tư số 25/2020/TT- BGDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

Giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2 - 4 lần giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Số đầu sách giáo khoa tăng, tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách.

Chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua.

Nghị quyết dẫn chứng, mức chi phí phát hành tối đa đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022 - 2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%…

Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chính

Với những bất cập nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chính về các tồn tại, hạn chế trong xây dựng, thực nghiệm, thẩm định chương trình, sách giáo khoa, hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; việc không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa; giá các bộ sách giáo khoa, tỷ lệ chiết khấu cao; sai phạm trong in, xuất bản sách giáo khoa...

Đề nghị Quốc hội quyết định việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa - Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chính trong các tồn tại, hạn chế về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

NHẬT THỊNH

Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về đổi mới phương thức và nội dung thi, kiểm tra theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh. Ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm 2023.

Sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt sách giáo khoa; quy định lựa chọn sách giáo khoa tại Thông tư 25 năm 2020 của Bộ GD-ĐT theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu về lâu dài, cần tổ chức theo hướng học sinh có thể sử dụng bất kỳ sách giáo khoa nào được phép lưu hành trong mỗi tiết học. Quy định về cung ứng, phát hành sách giáo khoa theo hướng chủ yếu phát hành sách tại các nhà sách, cửa hàng sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu xuống mức hợp lý, phù hợp với tính chất, phương thức phát hành để giảm giá sách giáo khoa.

Đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Đồng thời, nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản sách giáo khoa do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

Trước đó, tại phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ kiến nghị về việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Ông Sơn cho rằng, Nhà nước đã có chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng duy nhất và thống nhất, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa chỉ là học liệu. Hơn nữa, việc Nhà nước xây dựng một bộ sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng tới chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và tinh thần của đổi mới giáo dục.

Ngược lại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vẫn cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

"Chương trình chỉ là khung, còn nội dung giáo dục phải được thể hiện trong sách giáo khoa. Không thể nói sách giáo khoa là không quan trọng, rồi người dạy muốn dạy gì thì dạy được. Chúng ta nhận xét sách giáo khoa chỉ là học liệu đơn thuần thì không phải", Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời dẫn chứng hiện dù đã có nhiều bộ sách song nhiều địa phương chỉ chọn 1 bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.