Ngày 1.8, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại TP.HCM.
Ở Việt Nam hiện nay có 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cả hai ngân hàng này đều hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Các ý kiến cho rằng, quy mô tổng tài sản của 2 ngân hàng chính sách hiện nay là tương đối lớn. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung một chương riêng quy định về ngân hàng chính sách tại dự thảo luật để khẳng định địa vị pháp lý của các ngân hàng này.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc đưa những nội dung liên quan đến 2 ngân hàng chính sách vào luật sẽ bảo đảm công khai, minh bạch, khẳng định địa vị pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngân hàng này.
Tuy nhiên, 2 ngân hàng trên, mỗi ngân hàng được thành lập để thực hiện những mục tiêu, sứ mệnh riêng. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Do đó, mô hình tổ chức, cách thức, phạm vi hoạt động, tính chất, đặc thù, yêu cầu đảm bảo an toàn đối với mỗi loại hình ngân hàng chính sách là khác nhau. Bên cạnh đó, hiện nay phương án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đưa vào dự thảo các quy định cụ thể về ngân hàng chính sách tại thời điểm này có thể dẫn đến thiếu tính ổn định, không phù hợp.
Do vậy, dự thảo luật dự kiến chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số nội dung, trong đó có quy định về vốn điều lệ và tổng giám đốc của ngân hàng chính sách. Trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động, cơ chế tài chính, tổ chức lại, giải thể và các nội dung khác có liên quan.
Đồng thời, theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngân hàng này cũng như phục vụ các mục tiêu, chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng luật riêng về ngân hàng chính sách, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết mỗi ngân hàng có sứ mệnh khác nhau. "Vì là luật chung nên ta không thể nào đưa các chi tiết cụ thể từng ngân hàng vào. Lần này, giữa cơ quan soạn thảo, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và các đại biểu cũng đồng tình chỉ đưa vào những quy định chung về nguyên tắc, còn về cụ thể thì giao cho Chính phủ quy định. Sau này sẽ hướng tới có đạo luật riêng", bà Hồng nói.
Bình luận (0)