Đề nghị rút ngắn thời gian giám định các vụ xâm hại trẻ em

20/09/2019 07:49 GMT+7

Đây là ý kiến của một số đại biểu góp ý vào dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp (GĐTP) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19.9.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về cơ chế công nhận kết quả giám định pháp y đối với trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, theo yêu cầu của gia đình bị hại. Nhiều trường hợp nạn nhân bị đe dọa; khi phát hiện vụ việc đã muộn thì mất đi chứng cứ quan trọng, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
Dẫn số liệu báo cáo của Sở Y tế Lạng Sơn từ năm 2015 - 2019 có 45 vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhưng không tiến hành GĐTP và cũng không phối hợp với cơ quan nào để chứng minh hành vi phạm tội, ông Phong cho rằng, để “lọt sổ” các vụ xâm hại tình dục chính là những vấn đề bức xúc trong trưng cầu giám định. Vì vậy, trong dự án luật cần nêu rõ việc sửa đổi, bổ sung luật GĐTP lần này là cần thiết, trước vấn đề xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em là do không được xử lý kịp thời. “Theo quy định của luật GĐTP, khi phát hiện hành vi xâm hại hoặc dấu hiệu của hành vi bị xâm hại, người thân của nạn nhân đến trình báo công an, và trong 7 ngày sẽ ra quyết định có trưng cầu giám định hay không. Quy định hạn 7 ngày quá dài, dẫn tới rất khó khăn cho người giám định và bỏ lọt tội phạm. Sửa luật lần này, cơ quan soạn thảo nên xem xét rút ngắn thời gian ra quyết định về trưng cầu giám định để bảo vệ trẻ em”, bà Hải đề nghị.
Trước ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ Công an xem lại trong một số trường hợp cụ thể, cần cân nhắc rút ngắn thời gian giám định để xác định nhanh thủ phạm xâm hại trẻ em.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.