Đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với người 'vi phạm đặc biệt nghiêm trọng'

16/07/2019 05:27 GMT+7

Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội đề nghị bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người bị thanh, kiểm tra xác định vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, để ngăn chặn khả năng bỏ trốn.

Trình bày báo cáo một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN tại phiên họp 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 15.7, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (UBQP-AN) Võ Trọng Việt cho hay, tiếp thu ý kiến các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) tại kỳ họp 7, Thường trực UBQP-AN đề nghị bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh với trường hợp “người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” và “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án”.
Nhiều ý kiến của các thành viên UBTVQH sau đó đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ các quy định liên quan đến tạm hoãn xuất cảnh để tránh ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân; đồng thời không để “lỏng”, tránh những trường hợp như thời gian qua. Về quy định tạm hoãn xuất cảnh “đối với người bị thanh tra, kiểm tra xác định vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng đặt vấn đề là đúng, nhưng quy định như dự thảo thì rất chung chung vì chưa rõ về trình tự thủ tục.
Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến: Quy định nêu “xét thấy cần ngăn chặn” thì ai sẽ là người “xét thấy” và ai sẽ là người quyết định tạm hoãn xuất nhập cảnh của đối tượng này? Giải trình thêm sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng tình rằng phải rà soát kỹ lưỡng quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
Trong chiều 15.7, báo cáo một số nội dung dự kiến tiếp thu chỉnh lý của dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất đề xuất phương án mới trong việc giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Cụ thể, phương án mới quy định, lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 ĐB hoạt động chuyên trách. Trong trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là ĐB hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Còn trường hợp chủ tịch HĐND là ĐB hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, thảo luận sau đó, nhiều ý kiến thành viên UBTVQH vẫn không đồng tình với phương án giảm số phó chủ tịch HĐND ở cấp tỉnh.
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng trong tình hình hiện nay, phải tăng cường vai trò của các cơ quan dân cử, nên việc tinh giản bộ máy cơ quan dân cử là đi ngược xu thế. Qua đó, ông đề nghị Đảng Đoàn QH cũng nên có ý kiến cụ thể với cấp có thẩm quyền, dù vấn đề này đã được ghi rõ trong nghị quyết của T.Ư.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định thời gian qua, có ý kiến nói rằng, việc giữ 2 vị trí phó chủ tịch HĐND làm tăng biên chế là không đúng, vì 1 phó chủ tịch HĐND hiện nay được nâng lên từ vị trí ủy viên thường trực HĐND trước đây. Do đó, đề xuất giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh là không có cơ sở. “Sao không giảm chỗ nào mà cứ giảm cơ quan dân cử. Thái độ của mình xem cơ quan dân cử thế nào?”, bà Ngân nêu vấn đề và đề nghị báo cáo lại Bộ Chính trị và Ban Chấp hành T.Ư về ý kiến của dân đối với vấn đề này.
Chưa bỏ viên chức suốt đời
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức chiều 15.7, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất chọn phương án tiếp tục sử dụng loại hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức chứ không bỏ loại hợp đồng này để chuyển sang ký hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức như đề xuất trước đó của Chính phủ.
Theo đó, phương án này quy định, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Theo ông Định, phương án này vẫn đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 19 của T.Ư, quy định là: thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tinh thần của Nghị quyết 19 của T.Ư phải được hiểu là viên chức tuyển dụng mới từ sau khi chính sách (luật) có hiệu lực phải ký hợp đồng xác định thời hạn (ngắn hạn) chứ không thể hiểu như cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.