Đề nghị thu hồi đất cho tất cả dự án Nhà nước phê duyệt

21/06/2023 18:17 GMT+7

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, bất kể dự án nào Nhà nước đã phê duyệt thì đều đủ điều kiện là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và Nhà nước cần thu hồi đất cho dự án.

Góp ý vào luật Đất đai sửa đổi chiều 21.6, trái với nhiều lo ngại của các đại biểu về việc lạm dụng thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Hoàng Văn Cường nói ông không đồng tình với nhận định này vì không phải cứ dự án tư nhân đầu tư thì không phải phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đề nghị thu hồi đất cho tất cả dự án Nhà nước phê duyệt - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến tại phiên thảo luận chiều 21.6

GIA HÂN

Ông Cường phân tích, đất đai là do Nhà nước quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng chứ không quy hoạch vì lợi ích cá nhân. Do đó, bất cứ quy hoạch nào thực hiện theo quy hoạch của Nhà nước đều là dự án thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

"Tư nhân cũng thế, của ai cũng thế. Bất kể dự án nào Nhà nước đã phê duyệt thì đều đủ điều kiện là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", ông Cường nêu.

Cùng đó, đại biểu đoàn TP.Hà Nội cũng cho rằng, nếu như Nhà nước thu hồi và để người dân tham gia vào quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư tạo sự đồng thuận của người dân thì sẽ đạt được các hiệu quả về kinh tế - xã hội tốt hơn, đáp ứng yêu của của Nghị quyết 18.

Nếu cứ để người dân với doanh nghiệp tự thỏa thuận thì rất nhiều yêu cầu về đảm bảo hài hòa lợi ích hay tái định cư phải có cuộc sống bằng, tốt hơn sẽ không thực hiện được.

"Tôi cho rằng, việc Nhà nước đứng ra thu hồi và có phương án tái định cư tốt sẽ đảm bảo tốt hơn các yêu cầu này", ông Cường nói.

Theo ông Cường, chỉ có 3 trường hợp nên áp dụng phương án tự thỏa thuận, gồm: mua bán chuyển nhượng đất đai không cần Nhà nước phê duyệt dự án; người dân góp đất để kinh doanh; tái điều chỉnh phân lại khu dân cư, tái thiết đô thị...

Đề nghị thu hồi đất cho tất cả dự án Nhà nước phê duyệt - Ảnh 2.

Quốc hội dành cả ngày 21.6 để thảo luận luật Đất đai sửa đổi

GIA HÂN

Tương tự, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng, dự thảo luật quy định đối với dự án nhà ở thương mại mà quy mô từ 10 ha trở lên (tại khu vực nông thôn), từ 5 ha trở lên (tại khu vực đô thị) thì thuộc trường hợp phải đấu thầu để thực hiện dự án có sử dụng đất và Nhà nước phải thực hiện việc thu hồi đất là không hợp lý.

Bà Hiền phân tích, theo dự thảo thì những dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha (đối với khu vực nông thôn) dưới 5 ha (đối với khu vực đô thị) sẽ không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phải thỏa thuận để nhận quyền sử dụng đất là rất khó khăn. Do đó, bà Hiền đề nghị giảm quy mô xuống mức 5 ha đối với khu vực nông thôn, 3 ha đối với khu vực đô thị.

Đại biểu đoàn Hà Nam cũng đề nghị nghiên cứu quy định: đối với dự án nhà ở thương mại có 100% diện tích đất nông nghiệp (bao gồm cả diện tích giao thông, thủy lợi nội đồng) mà dưới mức quy định về quy mô diện tích thì Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án và nhà đầu tư không phải thỏa thuận.

Cạnh đó, dự án mà nhà đầu tư có quyền sử dụng đất (không phân biệt phải có đất ở hoặc đất ở và các loại đất khác) để thực hiện dự án thì được phép chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở thương mại.

Đại biểu Dương Khắc Mai: Nhà nước nên trưng mua thay vì thu hồi đất

"Nghĩ đến thôi cũng hãi hùng rồi"

Cũng liên quan đến thu hồi, đền bù, giải tỏa, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nói đây là vấn đề khó "mà khi nghĩ đến thôi cũng hãi hùng rồi".

Theo đại biểu Trí, qua nghiên cứu dự thảo, ông thấy ban soạn thảo cũng đã rất cố gắng tìm kiếm cách soạn thảo tốt nhất, tuy nhiên chưa hết và chưa rõ.

Đề nghị thu hồi đất cho tất cả dự án Nhà nước phê duyệt - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến thảo luận tại hội trường

GIA HÂN

Ông cho hay, việc đền bù giải tỏa trong các dự án tự thỏa thuận rất hay gặp vướng mắc là phần lớn thỏa thuận được, nhưng một bộ phận nhỏ không thỏa thuận được, thậm chí không cho gặp để thỏa thuận.

"Bế tắc là ở chỗ đó, bất bình đẳng là ở chỗ đó, chậm trễ, không triển khai được là ở chỗ đó", ông Trí nêu, và cho rằng, đây là lý do nhiều huyện hàng chục năm trời chỉ thỏa thuận được một vài dự án, còn lại chưa xong hoặc bỏ dự án.

Từ đó, ông đề nghị với dự án thuộc nhóm tự thỏa thuận nếu đã tự thỏa thuận được 70% trở lên mà thời gian đã chậm gấp 2 lần thời gian chính quyền cho phép thì Nhà nước phải vào cuộc để thực hiện việc giải tỏa và giá đất chỉ bằng giá quy định của Nhà nước cho khu vực đó.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Đền bù giải tỏa "nghĩ đến thôi là hãi hùng rồi"

Nhà nước tham gia thu hồi đất tại các dự án đã thỏa thuận được đến một tỷ lệ nào đó cũng là vấn đề được nhiều đại biểu nêu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh), việc thỏa thuận cần có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư hoặc có biện pháp cụ thể trong trường hợp thỏa thuận đã đến 80 - 90% dự án nhưng số còn lại không có cơ chế để nhà đầu tư tự thỏa thuận được. Theo bà Hà, thực tế đã có những dự án phải hủy do không thỏa thuận được cơ chế để được đền bù.

"Đề nghị có quy định trường hợp không thỏa thuận được để thực hiện dự án, nếu việc thỏa thuận đạt được trên 90% thì thực hiện thu hồi", bà Hà nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.