Một diễn biến đáng chú ý là đại diện Viện KSND đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo cơ quan công tố, vi bằng về đoạn ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông Hoàng Công Tình, Phó khoa Hồi sức tích cực, và điều dưỡng Đinh Tiến Công, do luật sư Ngô Thị Thu Hằng (bào chữa cho bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương) giao nộp tại tòa là một chứng cứ mới mà Viện KSND nhận thấy có dấu hiệu của việc hợp thức hóa hồ sơ tại bệnh viện sau khi xảy ra tai biến y khoa. Viện KSND nhận định cần phải làm rõ việc có hay không sự đối phó với cơ quan điều tra hay đổ trách nhiệm cho BS Lương. Theo đó, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung sẽ làm rõ các nội dung này.
Trước đó, trong phiên xét xử buổi sáng, HĐXX đã quyết định quay lại phần xét hỏi xung quanh băng ghi âm nói trên. Trả lời HĐXX, ông Tình cho biết đã gọi điện cho ông Đinh Tiến Công và ghi âm lại cuộc nói chuyện giữa hai người.
Trình bày cụ thể hơn về nguồn gốc đoạn ghi âm, ông Tình cho biết ngày 5.7.2017, ông vào trại giam đón BS Hoàng Công Lương khi được cho tại ngoại. Trên đường về, BS Lương đã hỏi ông Tình về cuốn sổ giao ban có ghi nội dung giao nhiệm vụ cho ông Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.
Sau đó, khi về nhà, ông Tình đã gọi điện hỏi ông Đinh Tiến Công về cuốn sổ, bởi ông Công là thư ký ghi nội dung các cuộc họp thời điểm năm 2015, 2016. Nói về mục đích ghi âm cuộc gọi, ông Tình cho biết muốn lưu lại để mở cho BS Lương nghe, vì trước đó BS này đã thắc mắc về nội dung giao nhiệm vụ thể hiện trong cuốn sổ giao ban.
"Sau này, cáo trạng nêu BS Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo nên tôi nghĩ cuộc ghi âm đó có thể chứng minh việc Lương không được giao nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo và là chứng cứ để HĐXX xem xét. Chính vì thế, tôi đã lập vi bằng và giao cho các luật sư", ông Tình nói.
Bà Đinh Thị Tới, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, được mời đến tòa để trả lời một số vấn đề liên quan cũng cho biết trong thời gian 2015 - 2016, không có quyết định nào giao BS Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Phòng tổ chức không ban hành, lưu giữ bất cứ quyết định nào.
Trong phần tranh tụng hôm qua, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương tiếp tục nêu vấn đề Bộ Y tế đã tự ý chỉnh sửa, biên tập câu hỏi của cơ quan điều tra. Cụ thể, so với câu hỏi gốc cơ quan điều tra, Bộ Y tế đã thêm tiêu chuẩn AAMI vào gây hiểu nhầm khi trong bản luận tội của Viện KSND đã xác định cần phải chờ kết quả xét nghiệm AAMI, nếu không chờ kết quả này sẽ phát sinh thêm trách nhiệm của các bị cáo. Bên cạnh đó, trong công văn trả lời cơ quan điều tra và văn phòng luật sư Nguyễn Chiến cùng về một vấn đề nhưng đã thể hiện sự mâu thuẫn trong câu trả lời. Cụ thể, khi trả lời cơ quan điều tra, Bộ Y tế khẳng định bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm AAMI sau bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO; còn công văn thứ 2 lại nói là chỉ khuyến cáo làm xét nghiệm.
Tổng LĐLĐ VN đề nghị tòa lưu tâm các chứng cứ gỡ tội cho bị cáo Hoàng Công Lương
Cùng ngày 29.5, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN đã gửi công văn đến TAND TP.Hòa Bình đề nghị xét xử BS Hoàng Công Lương công tâm, không để làm oan người vô tội. Trong Công văn số 1026/TLĐ, TLĐLĐ nêu rõ: “Với tư cách là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Tổng LĐLĐ VN đề nghị TAND TP.Hòa Bình (Hòa Bình), trực tiếp là Hội đồng xét xử xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện các chứng cứ của vụ án, trong đó đặc biệt lưu tâm các chứng cứ gỡ tội cho bị cáo Hoàng Công Lương, không để làm oan người vô tội”.
Chia sẻ với Thanh Niên, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Mai Đức Chính cho hay: “Qua quá trình thẩm vấn, theo dõi phần tranh luận tại tòa đã cho thấy vụ án xuất hiện nhiều tình tiết mới, phức tạp, cần được xem xét toàn diện. Trong đó, có nhiều chứng cứ các luật sư cung cấp tại phiên tòa, lời kêu oan của bị cáo Hoàng Công Lương và lời đề nghị tuyên bị cáo không phạm tội của bị hại và đại diện bị hại. Vì vậy, tôi đã thay mặt Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ VN ký công văn gửi TAND TP.Hòa Bình về việc xét xử khách quan, công bằng đối với bị cáo Lương”.
T.Hằng
|
Bình luận (0)