Chiều 14.3, Bộ Công an tổ chức hội thảo “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Cuộc hội thảo có sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, quản lý trong và ngoài ngành công an.
Hội thảo trực tuyến của Bộ Công an có sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, nhà quản lý |
Thái Sơn |
Nêu ý kiến tham luận tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng việc ban hành luật riêng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, dự án luật cần đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện trong các quy định. Bên cạnh đó, phải đảm bảo rõ thẩm quyền, tránh chồng chéo trong công tác quản lý, gây phiền hà cho người dân.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng nêu nhiều vấn đề thực tiễn cần được quy định vào trong luật. Theo đó, dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chia giấy phép lái xe thành 11 hạng, thay vì 15 hạng như hiện nay. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lái xe, phát sinh thủ tục cấp, đổi. Từ đó, ông Hiểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc và nghiên cứu, làm rõ lý do, sự cần thiết để tránh phát sinh thủ tục, gây phiền hà cho người tham gia giao thông.
Đáng chú ý, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, quy định về độ tuổi được cấp giấy phép lái xe trong một số trường hợp chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu. Cụ thể, hiện nay học sinh THPT đi xe máy nói chung và mô tô nói riêng đến trường là một nhu cầu có thật và rộng khắp, nhất là ở các thành phố lớn.
Vấn đề này còn xuất phát từ thực tế khi bước vào cấp THPT, học sinh phải đi học trái buổi, ngoại khoá tại trường và đi học thêm khá nhiều trong khi phương tiện công cộng chưa phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo quy định pháp luật hiện hành, người từ 16 tuổi trở lên được đi xe máy dưới 50 cc và người 18 tuổi trở lên mới được học và cấp giấy phép lái xe.
Thực tế còn cho thấy đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi không được học luật giao thông một cách đầy đủ (vì chưa được cấp giấy phép lái xe) nhưng vẫn điều khiển xe máy điện, xe đạp điện và xe gắn máy dưới 50 cc với tốc độ cao, lấn làn… tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông. Trong khi đó, tâm lý, chiều cao, cân nặng của thế hệ trẻ đã phát triển vượt bậc so với trước đây.
“Chúng ta có thể đối chiếu quy định với một số nước có thể thấy, tại Thái Lan độ tuổi lấy giấy phép lái xe và đi xe có động cơ 110 cc trở xuống là từ 15 tuổi. Mỹ từ 16 tuổi là lấy giấy phép lái xe ô tô”, ông Ngọ Duy Hiểu nói và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để “trẻ hoá” đối tượng được cấp giấy phép lái xe (hạng A01).
Quy định rõ trách nhiệm về đảm bảo an toàn giao thông
Nêu ý kiến tại hội thảo, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, thành viên Ban Nghiên cứu chuyên đề, giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết các dự án luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Bộ Công an và Bộ GTVT chuẩn bị 3 năm nên rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trong hai luật hiện vẫn còn có một số vấn đề, nội dung có thể còn trùng lặp như phương tiện giao thông đường bộ, sử dụng lòng đường, vỉa hè, tốc độ...
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng đề nghị gắn trách nhiệm cá nhân với an toàn giao thông |
Đình TrƯỜng |
"Vì vậy, ban soạn thảo của hai bộ cần nghiên cứu, rà soát các vấn đề này theo hướng những cái gì thuộc về trật tự an toàn giao thông và hoạt động của con người và phương tiện thì để ở luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Còn những gì "tĩnh" như đường bộ, vỉa hè, quy định về việc cấp phép... thì để ở luật Đường bộ", trung tướng Dũng nói.
Ngoài ra, đối với vấn đề quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông cần làm rõ trách nhiệm từng bộ, từng ngành, trách nhiệm đến đâu… Đặc biệt là trách nhiệm phân công phân quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã vì hiện ở trong dự thảo luật mới ghi chung là cấp chính quyền.
Cũng đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, an toàn giao thông là một vấn đề lớn, thể hiện xuyên suốt trong các khâu đoạn như chiến lược, quy hoạch đầu tư, tổ chức vận tải, quản lý, khai thác nhưng trách nhiệm cụ thể các cơ quan chức năng đến đâu lại không rõ, kể cả trong luật Giao thông đường bộ năm 2008.
"Cũng vì quy định chưa rõ ràng nên mới sinh ra Uỷ ban An toàn giao thông để điều phối tổ chức thực hiện. Do đó, nên chăng giai đoạn này khi xây dựng dự án luật cần thiết nêu rõ người chịu trách nhiệm, các cơ quan có liên quan", ông Lê Đình Thọ nói và đề nghị trên cơ sở ý kiến các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu, ban soạn thảo các dự án luật của Bộ GTVT và Bộ Công an tiếp tục ngồi lại với nhau để xác định rõ và đưa vào luật.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho hay, sau khi xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Ban soạn thảo dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ hoàn thiện dự thảo, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 3, để xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 4 tới.
Bình luận (0)