Đó là một trong những nhận định của thủ khoa các năm về đề môn ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Nắm vững kiến thức cơ bản là làm trọn vẹn được đề thi
Hoàng Văn San, thủ khoa toàn quốc môn ngữ văn năm 2018, nhìn nhận đề môn ngữ văn năm nay vừa phải, không khó cũng không dễ. Phần đọc hiểu khá hay, hấp dẫn và các câu hỏi có mức độ phân hoá rõ ràng.
Theo San, phần nghị luận xã hội bàn về một vấn đề có tính thời sự, học sinh có thể lấy những dẫn chứng về những con người có sự cống hiến thầm lặng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
|
“Mặc dù đây là vấn đề rất quen thuộc nhưng vẫn kích thích sự sáng tạo của thí sinh ở việc đưa những dẫn chứng mới mẻ, cập nhật, những biểu hiện của sự cống hiến mà đang rất thời sự hiện nay như lực lượng ở tuyến đầu chống dịch...Về cơ bản đề không đánh đố nhưng nếu các em biết thể hiện một cách nhìn mới, diễn đạt và lập luận sắc sảo thì hứa hẹn những đoạn văn chứa đựng một cách nhìn và hiểu biết xã hội sâu sắc”, San bày tỏ.
Với phần nghị luận văn học thì San cho rằng vẫn đảm bảo giống như đề minh hoạ đã công bố từ trước, gồm ý chính và ý phân hoá. Dạng đề ở mức độ cơ bản, dễ triển khai.
“Nói chung với tình hình dịch bệnh căng thẳng như năm nay, đây là một đề thi phù hợp, vừa sức, không đánh đố và chỉ cần thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản và kỹ năng làm bài thì mình nghĩ có thể giải quyết được trọn vẹn đề thi này”, San chia sẻ.
Giá trị tình yêu và vẻ đẹp nữ tính không đi ngược với bối cảnh thực tiễn
Còn Võ Lập Phúc, thủ khoa toàn quốc khối D14, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020, thì nhìn nhận: “Mình thấy đề thi năm nay phù hợp với mục tiêu thi tuyển, vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, mảng nội dung có định hướng nhân bản sâu sắc, đặt ra cho thí sinh nhiều góc độ để khai thác một cách sáng tạo”.
Theo Phúc, đối với phần đọc hiểu, phần trích dẫn mang khuynh hướng triết lý Á Đông. Các câu hỏi vẫn giữ ổn định về cấu trúc. Riêng đối với câu hỏi về quan điểm cá nhân ở câu 3 và câu 4, nội dung mang tính khơi dậy sâu sắc, tạo điều kiện để thí sinh phân tích theo hướng suy luận, kích thích ở thí sinh việc vận dụng trải nghiệm và lý tưởng cá nhân để làm bật vấn đề. Đặc biệt ở câu hỏi số 3, câu văn được trích dẫn dùng làm câu hỏi mang nhiều tầng ý nghĩa, giàu tính ẩn dụ nhưng vẫn có định hướng rất rõ ràng. Đấy là đi sâu vào hệ tinh thần nhân văn sâu sắc ở mỗi người, trên cơ sở đó, khơi dậy dòng chảy suy nghiệm của cá nhân đối với hiện thực đời sống.
|
“Ở phần nghị luận xã hội, chủ đề được đặt ra cô nén trong cụm “sự cống hiến”. Dù vậy, chủ đề này mang giá trị hiện thực cao, phù hợp với bối cảnh nước ta đang đoàn kết trên mọi mặt trận để chống dịch Covid-19. “Sự cống hiến” mang ý nghĩa thực tiễn đặc biệt, đồng thời, tạo cơ hội để thí sinh phân tích và nêu cảm tưởng theo chiều sâu về vai trò của những y bác sĩ, những thanh niên xung phong nơi tuyến đầu phòng dịch. Từ đó, thí sinh có cơ hội để phác thảo các quan điểm giàu giá trị nhân văn, thể hiện khát vọng của tuổi trẻ đối với công cuộc phòng chống dịch và có cơ sở để nêu cao tinh thần cống hiến vì một quốc gia cường thịnh”, Phúc chia sẻ.
|
Ở phần nghị luận văn học, Phúc cho rằng sử dụng hệ giá trị tình yêu và vẻ đẹp nữ tính trong “Sóng” của Xuân Quỳnh không phải đi ngược lại với bối cảnh thực tiễn của đất nước hiện nay. Thay vào đó, phương hướng cảm xúc tiềm ẩn trong thơ Xuân Quỳnh có vai trò rất lớn để mỗi cá nhân chúng ta tự nhìn nhận lấy bề sâu nghĩ suy trong trái tim mình.
“Khi tình hình dịch bệnh diễn ra không lường trước được, khi những tình huống buộc bản thân phải thực hiện giãn cách xã hội, khi việc ở nhà và không thể tương tác với mọi người… tạo ra dòng chảy suy nghĩ tiêu cực, bị hạn định trong sự bi quan chán chường; thì với nội hàm ý nghĩa mang tính chất chiều sâu tâm lý như “Sóng”, cá nhân mỗi người chúng ta có cơ hội để nhìn nhận lại trái tim của mình với những khắc khoải, bâng khuâng, âu lo nhưng cũng đồng thời tràn đầy khát vọng an nhiên, ý nguyện kết nối, tâm thế sẻ chia, ước muốn đoàn tụ. Đó là giá trị của trái tim, bề sâu của cảm xúc mà ngay trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, những điều đó khiến bản thân mỗi người có được sự an ủi, lắng đọng để tự nhìn nhận và cho mình cơ hội để hướng tới niềm tin cho sự tốt đẹp khả dĩ”, Phúc bày tỏ cảm nhận về đề môn ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Bình luận (0)