Báo cáo của các tỉnh, thành ĐBSCL cho thấy từ năm 2016 đến nay, khu vực này có 779 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 1.134 km (bờ sông 666 điểm/744 km, bờ biển 113 điểm/390 km). Bằng nhiều giải pháp công trình, đến nay, ĐBSCL vẫn còn 561 điểm sạt lở cần khắc phục, trong đó có 63 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 204 km, đã được Chính phủ xác định cần ưu tiên vốn để xử lý ngay. Kinh phí xử lý 63 điểm sạt lở này khoảng 13.648 tỉ đồng.
Cũng từ 2016 đến nay, T.Ư đã đầu tư 11.453 tỉ đồng để hoàn thành 190 công trình kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 246 km cho ĐBSCL. Như vậy, ít nhất 25.100 tỉ đồng đã và sẽ phải chi cho các công trình phòng chống sạt lở cấp bách ở ĐBSCL. Số tiền này gấp gần 8 lần tổng vốn đầu tư "siêu" công trình cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và tương đương vốn đầu tư 5 công trình cầu Mỹ Thuận 2 (khoảng 5.000 tỉ đồng) bắc qua sông Tiền nối liền cao tốc Bắc - Nam đang được thi công.
Nói vậy để thấy rất nhiều tiền của đã và đang phải chi cho các công trình phòng chống sạt lở ở ĐBSCL. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu đó có phải là những "tấm khiên vĩnh cửu" cho đồng bằng khi biến đổi khí hậu, phát triển thượng nguồn sông Mê Kông, tình trạng suy giảm cát phù sa… đang thúc đẩy tình trạng sạt lở gia tăng và khó lường. Chưa kể nhiều công trình phòng chống sạt lở chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Thực tế cho thấy ngoài nguồn kinh phí khổng lồ nói trên thì một thách thức lớn hơn đặt ra cho ĐBSCL là công tác quy hoạch, bố trí lại không gian sản xuất, không gian sinh sống cho người dân phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu. Ở đó, trước hết cần có bàn tay của chính quyền địa phương hành động ngay trong việc kiểm soát xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển có nguy cơ rủi ro; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Tại nhiều quốc gia phát triển có các điều kiện tương đồng với ĐBSCL, chẳng hạn như Hà Lan, không khó để thấy những dòng sông luôn có một vành đai sinh thái bảo vệ bờ, kể cả những dòng sông có công trình kè, sau vành đai mới đến công trình, nhà cửa… Hình ảnh này gần như trái ngược với ĐBSCL, khi tập quán bao đời của người dân là luôn sinh sống ven sông, rạch. Đến những khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng được tập trung ven sông để tận dụng lợi thế "cận giang". Đó cũng là lý do số hộ dân bị sạt lở hay đang sống trong vùng sạt lở ở ĐBSCL là rất lớn. Chỉ tính riêng 5 địa phương An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau đã có gần 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần di dời với tổng kinh phí gần 5.000 tỉ đồng.
Rõ ràng tổ chức lại không gian sinh sống, sản xuất phá vỡ tập quán bao đời nay của người dân là thách thức lớn. Nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, tập quán đó đã đến lúc cần thay đổi. Đó không chỉ là giải pháp căn cơ hạn chế sạt lở, bảo vệ bờ sông, bờ biển mà còn là sự chủ động hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng người dân, tránh những hệ luỵ khó bù đắp do mất nhà cửa, mất sinh kế do sạt lở gây ra.
Bình luận (0)