Để người dân thực sự hài lòng

05/05/2023 04:11 GMT+7

Kết quả phân tích Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) 2022 của TP.HCM cho thấy tới hơn 31% người dân phản ánh có tình trạng công chức sách nhiễu, phiền hà.

Tương tự, hơn 30% người dân cho rằng vẫn phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức để giải quyết thủ tục hành chính.

Các chỉ số trên đều tăng cao so với năm 2021, đồng thời cao hơn với mức trung bình chung của cả nước. Điều này được cho là nguyên nhân chính khiến TP.HCM tụt 4 hạng so với năm trước, xuống hạng 43/63 tỉnh, thành phố; đồng thời cũng là đơn vị thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc T.Ư.

Đây rõ ràng là vấn đề "đáng báo động", đúng như nhận định của Sở Nội vụ TP.HCM, nhất là trong bối cảnh tình trạng tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, trì trệ của cán bộ cũng đang trở thành lý do khiến kinh tế của "đầu tàu" TP.HCM chững lại. Vấn đề này cũng được những lãnh đạo cao nhất ở TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận và quyết liệt đề ra các giải pháp vực dậy tăng trưởng kinh tế. Ngay trong tháng 5 này, thành phố tiếp tục tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá toàn diện các chỉ số SIPAS, PAR Index (Chỉ số cải cách hành chính), PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) để có các giải pháp mạnh mẽ hơn.

Song vấn đề cán bộ, công chức sách nhiễu, đòi lót tay hay ngược lại tâm lý sợ trách nhiệm, trì trệ không phải là vấn đề của riêng TP.HCM. Cả 3 chỉ số được các cơ quan khác nhau công bố trong nửa đầu tháng 4 vừa qua gồm SIPAS, PCI và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022, đều cho thấy tình trạng sách nhiễu, tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề lớn của hệ thống.

Báo cáo SIPAS 2022 của Bộ Nội vụ cho biết vẫn còn 13,61% người dân được khảo sát trên cả nước phản ánh tình trạng công chức phiền hà, sách nhiễu. Trong khi đó, có 11,82% người dân phản ánh việc phải trả tiền ngoài quy định cho công chức để giải quyết công việc.

Chỉ số PCI 2022 cũng cho biết tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến" đã gia tăng đáng kể từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022…

Một điểm chung đáng buồn nữa của cả 3 chỉ số nói trên là dù được khảo sát công phu và tiến hành cả chục năm nay, song hầu như lại chỉ được dùng để "tham khảo". Thành ra, đến hẹn lại lên, tỉnh nào đạt thứ hạng cao thì đem "khoe ra", tỉnh nào thấp thì "đậy lại"; còn nhũng nhiễu, tiêu cực, sợ trách nhiệm thì đang trở thành vướng mắc "bền vững", cản trở sự phát triển.

Để triệt bỏ tham nhũng vặt cũng như tình trạng sợ trách nhiệm hiện nay, các chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân không thể dừng lại ở việc tham khảo. Ngược lại, sự hài lòng của người dân cần phải trở thành căn cứ để đánh giá cán bộ công chức, đơn vị, mức độ tín nhiệm với cán bộ lãnh đạo hay thậm chí là chế tài cụ thể. Bởi là cán bộ, công chức với chức trách là "công bộc của dân" thì mục tiêu không gì khác là sự hài lòng thực sự của người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.