'Đệ nhất cao thủ Thiếu Lâm' quyết lấy lại danh dự cho võ thuật Trung Quốc
17/05/2017 10:06 GMT+7
Trong số những bậc thầy nhận lời đấu với Xu Xiaodong (Từ Hiểu Đông), 'đệ nhất cao thủ Thiếu Lâm' Yi Long được kỳ vọng xung trận lấy lại danh dự cho võ thuật truyền thống Trung Quốc.
Tự động phát
Tờ South China Morning Post, Yi Long chính là người đầu tiên nhận lời thách đấu sau khi võ thuật Trung Quốc bị bôi nhọ bởi võ sĩ MMA nghiệp dư Xu, người đăng tải một đoạn video hạ knock out võ sư Thái cực quyền Wei Lei (Ngụy Lôi) trong 10 giây kèm lời thách thức và hạ thấp uy tín của võ thuật nước nhà.
Trước đó, Hiệp hội Wushu Trung Quốc đã lên án cuộc đấu gây “bão” mạng của Xu khi cho rằng nó đi ngược lại đạo đức của võ thuật. Bất chấp sự lên án, nhiều võ sư và cao thủ võ thuật truyền thống vẫn lên tiếng chấp nhận đấu với Xu. Trong số đó, Yi Long là võ sĩ “xếp hàng” đầu tiên gửi lời đấu trên tài khoản mạng xã hội Weibo với quyết tâm lấy lại uy danh cho võ thuật Trung Quốc.
“Tôi muốn anh ta (Xu Xiaodong) hiểu rằng anh ta đã sử dụng những hành động cực đoan để kích động văn hóa Trung Quốc nên phải trả giá”, Yi Long tuyên bố sau khi nhận lời thách đấu.
[VIDEO]: ĐÔI NÉT VỀ YI LONG
|
Yi Long từng là “tội đồ” của võ thuật Trung Quốc
Sự xuất hiện của Yi Long đã gây sự chú ý của giới võ thuật ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Bởi võ sĩ 30 tuổi nổi tiếng là người định danh võ thuật Trung Quốc ở sàn đấu đối kháng khi liên tục thách đấu với nhiều trường phái võ khác nhau trên khắp thế giới và được mệnh danh là “đệ nhất cao thủ Thiếu Lâm”. Tài năng võ thuật của Yi Long vốn đã được khẳng định khi từng trở thành quán quân tán thủ Trung Quốc và cũng từng là đệ tử của phái Thiếu Lâm.
Tuy nhiên, với việc tập luyện nhiều kỹ năng của đấu vật, quyền anh…, Yi Long bắt đầu chuyển hướng qua đấu trường đối kháng kickboxing và được ví như một chuyên gia đi thách đấu khắp thế giới với những trận thắng vang dội. Tên tuổi của Yi Long được biết đến sau những trận thắng trước bậc thầy của các môn phái võ thuật Trung Quốc như Hou Kui, Hao Zuoquiong, Yang Zhenbin, Wang Yanxin, Zhang Chong và được xem là người đầu tiên đưa những đường quyền Thiếu Lâm vào đấu trường đối kháng sau trận thắng Jin Hongyu vào năm 2006… Song, dù được tôn vinh “tu sĩ Thiếu Lâm số 1 Trung Quốc”, Yi Long liên tục bị chỉ trích là "tội đồ" của võ thuật Trung Quốc sau những thất bại đau đớn ở các cuộc thách đấu thu hút dư luận thế giới.
|
Năm 2010, Yi Long thách đấu với sĩ quan Adrienne Grotte, đội trưởng lực lượng SWAT Arizona (Mỹ). Ở cuộc đấu diễn ra tại Las Vegas, Yi Long được đánh giá rất cao và tấn công áp đảo ngay từ đầu. Tuy nhiên khi đang hưng phấn thì “đệ nhất cao thủ Thiệu Lâm” bị hạ knock out đau đớn sau một cú đấm của Grotte để nhận thất bại sau 44 giây.
Gần 2 năm sau, Yi Long lại xách gói sang Mỹ và lại bị hạ knock out kiểu tương tự trước tay đấm Josh Pickthall, một nhà vô địch hạng trung của đấu trường võ thuật hỗn hợp (MMA). Hai thất bại của Yi Long đã gây chấn động thế giới trong khi giới võ thuật Trung Quốc chỉ trích võ sĩ 30 tuổi đã đem lại sự nhục nhã cho danh tiếng võ thuật nước nhà. Trong đó, người phát ngôn của Chùa Thiếu Lâm còn tuyên bố Yi Long không phải là môn đồ và lên án các cuộc đấu được dàn dựng nhằm mục đích thương mại. Bất chấp những chỉ trích, với kinh nghiệm dày dặn trên các sàn đấu đối kháng, Yi Long được cư dân mạng kỳ vọng sẽ đánh bại Xu nhằm lấy lại danh dự cho võ thuật Trung Quốc.
Lời cảnh tỉnh cho võ thuật Trung Quốc
Ngoài sự lên án, những thất bại rúng động của Yi Long và đoạn video của Xu được xem là điều tích cực cho võ thuật Trung Quốc vốn “ngủ mê” trong hào quang của quá khứ cũng như được thần thánh hóa trên phim ảnh. Theo Tân Hoa xã, cuộc đấu gây “bão” truyền thông xã hội của võ sĩ MMA Xu Xiaodong được đánh giá là “gây thiệt hại khủng khiếp” đối với các môn đồ võ thuật Trung Quốc và là một đòn giáng mạnh vào tương lai của một trong những tinh hoa lâu đời của đất nước.
Vì vậy, trái với những chỉ trích và hoài nghi về các chiêu trò nhằm quảng bá thu lợi, không ít chuyên gia và võ sư của võ thuật Trung Quốc cho rằng những thất bại, sự chế giễu như trong các đoạn video thu hút sự quan tâm cực lớn của dư luận đã đem lại điều tốt và là lời cảnh tỉnh cho võ thuật nước nhà.
“Bất kể sự lố bịch nhưng đoạn video là một loại thuốc cay đắng cho võ thuật truyền thống Trung Quốc. Nó cảnh báo chúng ta rằng phải bước lên để phát triển nó”, Ma Wenguo, người quản lý môn Wushu thuộc Trường CĐ Thể thao Tây An (tỉnh Thiểm Tây), nhấn mạnh.
|
Zhang Qiangqiang, Hiệu trưởng trường Đại học Thể thao Bắc Kinh, đưa ra quan điểm vì sao võ thuật Trung Quốc liên tục là mục tiêu bị “sỉ nhục”: “Vấn đề nằm ở chỗ bản chất của Wushu (một môn võ Trung Quốc hiện đại tổng hợp nhiều bài quyền từ các môn phái võ thuật truyền thống) bị phóng đại trong phim ảnh và tiểu thuyết. Điều đó không những giúp Wushu trở nên nổi tiếng mà còn trở thành thần thoại”.
Liu Suibin, chưởng môn phái Nga Mi thế hệ thứ 36 thì đưa ra lời cảnh tỉnh rằng thực tế võ thuật Trung Quốc hiện đại đang khó phát triển nên những sự quan tâm và tranh luận dữ dội của dư luận gần đây không phải là điều xấu. Bởi những động thái ấy sẽ nhắc nhở mọi người phải xem xét làm sao để “kho báu” võ thuật Trung Quốc phát triển trong tương lai.
Bình luận (0)