Trong những năm tháng ngắn ngủi sống cạnh chồng là Tổng thống Juan Perón, bà đã làm được nhiều việc đầy ý nghĩa, đó là mang lại cơm áo cho những người cùng khổ và quyền lợi chính đáng cho nữ giới.
Tuổi thơ của Eva là một chuỗi ngày dài chứa đầy tủi nhục. Bà sinh năm 1919 ở Los Toldos, một ngôi làng thuộc vùng đồng bằng Argentina, là con ngoại hôn của một ông chủ đất và một bà nấu bếp. Vì thế, bà lưu giữ suốt đời mối hận đối với những người giàu có. Năm 15 tuổi, Eva đi Buenos Aires (thủ đô Argentina) để thử thời vận với ngành điện ảnh.
Dù vậy, người ta cũng chỉ nhìn thấy ở Eva một diễn viên tồi. Bù lại, bà được nhiều người biết qua ngành truyền thanh và cũng nhờ đó mà cuộc gặp gỡ định mệnh đã diễn ra.
Ngày 15.1.1944, một trận động đất tàn phá cả thành phố San Juan, biến nhiều em nhỏ thành trẻ mồ côi. Lập tức, Eva cùng các thân hữu thuộc Hiệp hội vô tuyến Argentina tổ chức lễ hội nghệ thuật để gây quỹ cứu trợ. Chính phủ Argentina cử đại tá Perón, Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội, tham gia vào công cuộc từ thiện này. Ông yêu cầu được gặp các nhà từ thiện và cuộc hội ngộ đã gieo vào lòng cả hai con người xa lạ ấy một ấn tượng mạnh mẽ. Tự trong thâm tâm, họ biết rằng định mệnh đã đưa họ đến cùng nhau…
Ngày 26.2.1946, Juan Perón làm lễ cưới với Eva và hơn 4 tháng sau ông trở thành tổng thống nước cộng hòa Argentina. Eva không có một chức vụ chính thức nào trong chính phủ, nhưng chính bà đã mê hoặc công chúng, kích động người chồng đang say sưa với vinh quang.
Năm 1947 là thời điểm đáng nhớ trong cuộc đời chính trị của Eva, bà đại diện Tổng thống Juan Perón thực hiện một chuyến công du châu Âu. Một tháng sau khi trở về, từ trên ban công của tòa nhà màu hồng Casa Rosada (dinh thự của tổng thống Argentina), Eva đã đọc một bài diễn văn lịch sử, công bố Đạo luật 13010 trao cho người phụ nữ xứ này quyền bầu cử. Đó là ngày 23.9.1947, một ngày đáng nhớ của phụ nữ Argentina.
Năm 1949, quỹ Eva Perón được thành lập nhằm cứu giúp những người nghèo. Từ đó, Eva bắt đầu nhận thư từ các nơi gửi về. Một cậu bé ở miền bắc đất nước muốn có một trái banh. Một bà cụ già cần một tấm nệm và rất nhiều người cần thức ăn hay quần áo… Mơ ước của họ khiêm tốn biết bao nhiêu! Nhìn lại mình đang có trong tay hàng trăm chiếc áo, mũ mão và giày vớ, Eva cảm thấy đau lòng…
Từ ấy, trong một nhà để xe của tòa lâu đài dành cho tổng thống Argentina, người ta chất đầy những vật dụng thiết yếu cho đời sống hằng ngày: giày vớ, bột, đường, quần áo, xoong nồi… Đêm xuống, Eva cho phân loại, đóng gói những vật dụng đó rồi tự mình mang đi phân phát cho những người nghèo, nơi này 10.000 gói, nơi kia 9.000 gói, riêng mùa Giáng sinh 1947 có đến 5 triệu món đồ chơi được phát cho các trẻ em nghèo.
Mải mê với công việc, đến năm 1951, Eva mới biết là bệnh tật đang gặm nhấm cơ thể mảnh mai của mình. Song bà vẫn tiếp tục lao vào những hoạt động từ thiện. Ngày 4.6.1952, khi Juan Perón bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, Eva chỉ còn cân nặng hơn 30 kg! Ngày 26.7 năm đó, bà qua đời vì căn bệnh ung thư cổ tử cung.
Juan Perón không muốn thân xác người vợ thân yêu rữa tan dưới lòng đất. Mấy ngày trước khi Eva thở hơi cuối cùng, nhà ướp xác nổi tiếng Pedro Ara, người từng giám sát việc ướp thi hài Lênin, đã được mời đến Buenos Aires. Người thợ làm móng tay có mặt ở lâu đài tổng thống vào sáng sớm ngày 27.7 để dành cho vị cố đệ nhất phu nhân sự đỏm dáng cuối cùng. Rồi người thợ làm tóc Pedro Alcaraz… những người luôn trung thành với Eva, cũng đến trang điểm cho bà lần cuối.
Được phủ dưới một tấm vải liệm trắng và một lá cờ hai màu xanh - trắng, Eva nằm trong một chiếc quan tài làm bằng kính trong suốt. Giữa những ngón tay của bà, người ta đặt xâu tràng hạt là tặng vật của Giáo hoàng La Mã. Trong 13 ngày liền, trái tim của đất nước Argentina như ngừng đập. Những người đến viếng bà xếp hàng rồng rắn dưới vô vàn những chiếc dù che mưa, dòng người kéo dài đến 3 km. Mỗi người phải chờ đợi suốt 10 giờ liền trong đói, khát, lạnh lẽo chỉ để được nhìn thấy Eva một lần cuối. Có người kiệt sức vì mỏi mệt và quá xúc động. Hội Chữ thập đỏ Argentina phải cử người đi phát cà phê, bánh mì cho những người nghèo khổ đến tiễn đưa bà. Và những con người bất hạnh đó đã đến gần chiếc quan tài, đặt môi hôn lên cái lạnh lẽo của thủy tinh trong suốt như lời từ biệt cuối cùng dành cho con người mà họ vô cùng yêu mến…
(còn tiếp)
(Trích Đời thường các nhân vật nổi tiếng trên thế giới do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)
Bình luận (0)