Để những hạt giống tài năng bóng đá Việt Nam không lụi tàn

21/06/2022 08:47 GMT+7

Phát hiện ra tài năng bóng đá trẻ đã khó, làm sao để những hạt giống đó nảy mầm, cứng cáp phát triển thành trụ cột cho bóng đá Việt Nam còn thách thức hơn nhiều.

Và thật tiếc khi bóng đá Việt Nam đến lúc vẫn còn những tiếc nuối như trường hợp Trọng Đại hay trước đó là Trần Thành, Đinh Thanh Bình...

Tiếc ngẩn ngơ cho Trọng Đại

Trước thềm AFC Cup 2022, CLB Viettel nói lời chia tay với Nguyễn Trọng Đại - người được xem là hạt giống tài năng nhất lứa 1997 của lò bóng đá danh tiếng này. Việc nhà vô địch V-League 2020 thanh lý Trọng Đại như dấu chấm, khép lại những năm dằn vặt và tiếc nuối về một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam. Nổi danh từ nhỏ nhờ thể hình đẹp (cao 1 m 84), Trọng Đại sớm bộc lộ phẩm chất thủ lĩnh nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa lối chơi giàu sức mạnh, với nhãn quan kỹ chiến thuật thông minh. Chơi được cả 2 vị trí trung vệ và tiền vệ trụ, Trọng Đại được HLV Hoàng Anh Tuấn tin tưởng trao băng đội trưởng và thực sự là đầu tàu giúp U.19 VN vào bán kết giải U.19 châu Á, đoạt vé dự U.20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc. Thậm chí từ 2 năm trước đó, Trọng Đại là 1 trong 3 cái tên hiếm hoi của đội U.23 được HLV Toshiya Miura gọi lên tuyển Việt Nam vào cuối năm 2015.

Trọng Đại (phải) từ số 1 đã để Hoàng Đức (giữa) và Nguyễn Thanh Bình (trái) vượt mặt ở tuyển Việt Nam

VFF

Sở hữu nền tảng hoàn hảo như vậy, tiếc là anh đã để trôi tuột tất cả. Là cầu thủ trẻ như chèo thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi. Khi những tung hô không còn, thay bằng chấn thương và thất bại ập đến, Trọng Đại đã không giữ được động lực cho bản thân nữa. Đến giờ, đó vẫn là tiếc nuối trăn trở của HLV Hoàng Anh Tuấn - người thầy từng luôn tìm cách động viên Trọng Đại từ ngày đầu làm việc chung ở U.19 Việt Nam và cả sau này khi anh mất suất đá chính ở Viettel: “Ở mọi lĩnh vực, quan trọng nhất khi đào tạo là hướng đến sự giáo dục, chuyên nghiệp trong nghề nghiệp không riêng gì bóng đá. Khi một cầu thủ trẻ thui chột, chúng ta cũng cần nhìn lại đơn vị chủ quản, HLV trực tiếp có tư vấn phù hợp hơn hay không. Ở một khía cạnh khác, đa số trường hợp tài năng đều phải trưởng thành qua khổ luyện. Không tự nhiên có thiên tài. Những Ronaldo, Messi tài năng chỉ là 1 phần, kết quả vẫn là làm việc chăm chỉ, còn Maradona khi không biết tự giữ cũng lụi tàn đáng tiếc”.

Thủ môn Việt kiều Đức, cao 1m90 là ai mà gây sốt ở U.19 Việt Nam?

Cần sự kết hợp giữa quản lý và động lực cầu thủ

Trong buổi giao lưu mới đây, Tiến Linh từng chia sẻ cú sốc đầu đời khi HLV Hoàng Anh Tuấn nói: “Con hiện là tiền đạo xếp thứ 4 trong 4 tiền đạo U.19 Việt Nam”. Chính lời nhắc nhở đó đã đánh động, để Tiến Linh giật mình tỉnh ngộ. Thay vì tìm lý do đổ thừa thường thấy ở các bạn trẻ, Tiến Linh đã dám nhìn thẳng vào thực tế để thôi thúc bản thân nỗ lực, hoàn thiện mình hơn. Câu chuyện của 4 tiền đạo U.19 Việt Nam lứa 1997 cũng là điển hình cho sự trồi sụt của cầu thủ đến từ 2 yếu tố: môi trường ở CLB và động lực, ý chí bản thân.

Ông Tuấn chia sẻ: “Trước và tại U.20 World Cup 2017, Đinh Thanh Bình là số 1 toàn diện về kỹ năng, tinh thần, tính chiến đấu. Người thứ 2 là Hà Đức Chinh, sau đó là Trần Thành rồi mới đến Tiến Linh. Nhưng sau 4 năm, Tiến Linh đang là số 1 ở tuyển Việt Nam trong khi Trần Thành chìm nghỉm, Thanh Bình đang được HAGL cho mượn ở đội hạng nhất Công an nhân dân. Điều này liên quan đến môi trường và cách đơn vị chủ quản sử dụng, phát triển họ. Như trường hợp Đức Chinh chẳng hạn, PVF thời điểm đó đào tạo nhưng không có định hướng chiến lược khi cầu thủ tốt nghiệp, khiến cậu ấy mất 2 năm không được đá V-League, ảnh hưởng đà phát triển chuyên môn rất nhiều. Ngược lại, CLB Bình Dương gạt bỏ áp lực thành tích để sử dụng lực lượng trẻ sớm, nên Tiến Linh được ra sân. Cộng thêm ý thức cá nhân nữa, Tiến Linh rất đam mê và quyết tâm, luôn thôi thúc phải tiến bộ nên đã khẳng định được mình”.

Ông Hoàng Anh Tuấn, hiện đang là Giám đốc kỹ thuật CLB Phù Đổng, cho rằng bóng đá Việt Nam đã có bước tiến dài so với 10 - 20 năm trước nên những hạt mầm tốt bị thui chột cũng ít đi nhiều: “Phải thừa nhận bóng đá bây giờ chuyên nghiệp hơn, được đầu tư tốt hơn và bản thân cầu thủ chuyên nghiệp hơn nhờ được đào tạo bài bản cả về chuyên môn lẫn văn hóa, dinh dưỡng, y tế... Cầu thủ không chỉ nuôi bản thân mà sớm lo được cho cả gia đình nên rất ít câu chuyện rượu chè bê tha, ngày đêm cắm ở vũ trường. Khoảng 10 năm nay gần như không có cầu thủ dính dáng vào bán độ cho thấy khác biệt rất lớn về ý thức. Chính điều đó thúc đẩy sự phát triển chuyên môn. Ngày xưa người ta luôn nói bóng đá Việt Nam kém thể lực nhưng bây giờ không còn nữa, nhờ cầu thủ biết giữ gìn, tập thêm, cải thiện thể lực, sức vóc... tốt hơn. Nhờ vậy, phong độ họ cũng kéo dài hơn. Điều này có thể nhìn thấy lứa U.23 châu Á 2018 và AFF Cup 2018 vẫn chơi tốt ở cấp độ cao suốt 4 năm trời.

Nhiệm vụ của các CLB, trung tâm và HLV khi đào tạo trẻ là xây dựng giấc mơ và khát vọng cho các cầu thủ nhí bằng những thần tượng, và trui rèn cho họ ý thức chuyên nghiệp. Ngược lại, mỗi cầu thủ thành danh sẽ phải hiểu bản thân cần là người truyền cảm hứng để hướng những cậu bé ngày nay thành những ngôi sao tích cực trong tương lai. Tôi vừa rồi thấy Bùi Hoàng Việt Anh thần tượng Quế Ngọc Hải và lấy đó làm động lực. Đó chính là con đường ngày một rõ ràng hơn để các thế hệ cầu thủ Việt Nam nhìn vào dấu ấn của các lớp người đi trước để tiến bộ, thậm chí sau này sẽ còn hay hơn cả các đàn anh”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.