Bà Thúy Hoa, chủ một cửa hàng sách trên phố sách Đinh Lễ, cho biết: “Tôi vừa mở thêm điểm cho trẻ em tô tượng”. Trong khi bố mẹ xem sách, tìm sách, các em có thể ngồi chơi ở đó. Việc tổ chức sân chơi để đa dạng hoạt động phố đi bộ như bà Hoa cũng là điều chuyên gia đề nghị tại Hội thảo nâng cao an toàn và chất lượng phố đi bộ tổ chức ngày 8.10 tại Hà Nội.
KTS Đoàn Kỳ Thanh, một trong những người tham vấn chính sách cho phố đi bộ, cho rằng đầu tiên phải xác định nơi đây là không gian của cộng đồng. Chính vì thế, mọi hoạt động đều phải tính đến sự tham gia của cộng đồng. Các loại hoạt động ở khu phố đi bộ, theo ông Thanh cũng cần đa dạng như: hoạt động đương đại, truyền thống, nhảy múa, sắp đặt, kỳ cuộc, ban ngày, ban đêm, lễ hội... “Chính quyền nên tạo cơ chế và hạ tầng để nghệ sĩ có thể tham gia nghệ thuật đường phố. Cũng nên có mạng lưới liên kết với các thành phố khác như Xiêm Riệp, Bangkok để trao đổi về nội dung sự kiện”, ông nói.
Mô hình xích đu mặt trời dự kiến đặt ở vườn hoa Con Cóc - sát ngay tuyến phố đi bộ - Ảnh: Think Playgrounds
|
Trên thực tế, ngay từ ngày đầu tiên, có thể thấy khu vực thu hút người dân nhất chính là sân chơi của nhóm My Hanoi. Ở đây, người dân được sống trong không gian vui chơi với bạn bè nơi các trò chơi dân gian. Vì thế, ý kiến của ông Thanh rất đáng quan tâm.
Nhóm Think Playgrounds cho biết họ dự kiến tổ chức một lễ hội xích đu tại phố đi bộ và các khu vực sát đó vào ngày 6.11 tới. Chuyên xây dựng sân chơi trẻ em từ các vật liệu tái chế, nhóm này đã nhận danh hiệu sáng tạo của Hội đồng Anh cách đây gần 3 năm. Think Playgrounds đề xuất một số điểm có thể đặt các loại xích đu có nhiều hình dáng vui nhộn, do nhiều KTS thiết kế, đó là tượng đài Cảm Tử, vườn hoa Con Cóc, vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa Tây Sơn, vườn hoa Hàng Trống...
Một đơn vị khác là Viện Nghiên cứu kinh tế - môi trường - xã hội ISee cũng đang tiến hành thủ tục để tổ chức hoạt động nhảy flashmob cho người trẻ tại khu vực gần Sở VH-TT Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Lân, nguyên KTS trưởng của thành phố, hiện tại chưa nên mở rộng thêm ngay 9 phố đi bộ nữa vì cần có một thời gian để rút kinh nghiệm và tham khảo thêm ý kiến người dân trong khu vực đó. Th.S-KTS Nguyễn Đức Hùng (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) nhấn mạnh việc phải bảo đảm đời sống người dân xung quanh. “Chẳng hạn, việc gửi xe và đi bộ có thể gây bất tiện trong đời sống của người dân. Trên thực tế, do ngại phải gửi hoặc dắt xe xa mà nhiều người vẫn chạy xe máy trong khu phố đi bộ. Cần nghiên cứu, tổ chức luồng tuyến giao thông hợp lý, thuận tiện tiếp cận với không gian đi bộ, gắn với đó là hệ thống bến bãi đỗ xe hiện đại, giá thành hợp lý, phục vụ văn minh. Đồng thời nghiên cứu tổ chức tuyến xe điện, xe đạp kết nối với các khu vực đi bộ khác trong khu vực”, ông Hùng nêu ý kiến.
The KTS Lê Mạnh Cường, cần kiểm soát âm thanh của các nhà hàng mở cửa khuya ở khu vực phố đi bộ. “Sau 22 giờ cường độ âm thanh vẫn không giảm, điều này ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân phố cổ”, ông Cường lưu ý.
|
Bình luận (0)