Để phố đi bộ không 'một màu'

27/01/2021 06:05 GMT+7

Phố đi bộ góp phần giải tỏa nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân vào ban đêm nhưng nhiều ý kiến cảnh báo sẽ nhàm chán nếu nơi nào cũng chỉ mua sắm và ẩm thực.

Thông tin từ UBND Q.3, quận này đã gửi phương án thiết kế phố đi bộ Hồ Con Rùa để các sở ngành góp ý và UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, làm cơ sở triển khai từ sau Tết Nguyên đán.
Phó chủ tịch UBND Q.3 Trần Thanh Bình cho hay, việc tổ chức phố đi bộ Hồ Con Rùa nhằm tạo dựng không gian thư giãn văn hóa cộng đồng, phục vụ nhu cầu của người dân cũng như tạo thành một chuỗi các điểm tham quan du lịch. Theo phương án thiết kế, phố đi bộ này có quy mô hơn 19.500 m2 được tổ chức thành 5 khu vực với các chức năng khác nhau, như: hồ nước, trình diễn, văn hóa, ẩm thực, thời trang… Để biến nơi đây thành phố đi bộ “hạng sang”, Sở Xây dựng đang làm sạch lòng hồ, sửa chữa lại lối đi, bố trí thêm chậu hoa, làm đèn chiếu sáng. Ngoài ra, UBND Q.3 sẽ cải tạo toàn bộ vỉa hè, lát đá granit với màu sắc cùng các chi tiết để làm nổi bật và mang tính định hướng cho khách tham quan; đồng thời tăng thêm mảng xanh trên vỉa hè, bố trí hệ thống đèn âm đổi màu để định vị từng khu chức năng. Nếu được UBND TP.HCM chấp thuận, Q.3 sẽ triển khai đầu tư và sửa chữa từ sau Tết Nguyên đán, thời gian hoạt động từ 19 - 23 giờ ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.

Phố đi bộ chỉ để đi bộ rồi về

Thực trạng thiếu phố đi bộ được nhiều chuyên gia đô thị chỉ ra bởi TP.HCM có hơn 13 triệu dân (bao gồm cả khách vãng lai) nhưng không gian văn hóa khá ít ỏi, số lượng phố đi bộ đếm chưa hết đầu ngón tay. Phố đi bộ vốn ít ỏi nhưng các thiết chế văn hóa khá ít ỏi dẫn đến sự nhàm chán, một màu. Trong đó, phố đi bộ Nguyễn Huệ mở cửa đón khách từ năm 2015 nhưng trừ những chương trình tổ chức trong ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng, hầu như không có bất kỳ một hoạt động văn hóa, nghệ thuật nào diễn ra trong 2 ngày cuối tuần. Chị Nguyễn Hoàng Oanh (ngụ Q.Phú Nhuận) ví von “đến phố đi bộ chỉ để đi bộ mỏi chân rồi về” bởi trên đoạn đường dài gần 1 km không có hoạt động văn hóa gì nổi bật. Chưa kể, người dân đến thư giãn cũng “ớn” trước tình trạng các bạn trẻ chơi ván trượt với tốc độ cao, người bán hàng rong tràn vào bán đủ loại đồ ăn, thức uống, đồ chơi trẻ em trong khi lực lượng quản lý trật tự đô thị và thanh niên xung phong quản lý không xuể.
Cũng tại Q.1, phố đi bộ Bùi Viện (hoạt động từ tháng 8.2017) dù được nâng cấp nhưng thực chất cũng chỉ là phố “ăn nhậu” với đủ loại quán xá bình dân đến cao cấp, phù hợp cho những người trẻ muốn trải nghiệm không khí náo nhiệt về đêm. Về hoạt động văn hóa, ông Huỳnh Mẫn, Phó chủ tịch P.Phạm Ngũ Lão, cho biết hằng tuần có chương trình văn nghệ tại sân khấu trước Trường mầm non Phạm Ngũ Lão (đường Bùi Viện), nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 ập đến thì chương trình này tạm dừng, đến nay vẫn chưa tổ chức lại.
Liên quan đề án “siêu” phố đi bộ khu trung tâm TP.HCM dự kiến tổ chức ở 5 tuyến đường gồm: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách, lãnh đạo Trung tâm quản lý giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TP.HCM) cho hay, đã giao cho đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến phản biện, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu để hoàn thiện đề án trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt trong quý 1/2021.

Tìm bản sắc riêng

Cuối năm 2020 vừa qua, UBND Q.10 khai trương phố đi bộ ở khu vực trước Kỳ đài Quang Trung (đường Nguyễn Lâm, P.6, Q.10). Nơi đây được tổ chức 49 gian hàng kinh doanh ẩm thực và mua sắm, hoạt động từ 18 - 23 giờ từ thứ ba đến chủ nhật hằng tuần. Ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch UBND Q.10, cho biết điểm nhấn của phố đi bộ Q.10 là không bán rượu, bia và thức uống có cồn để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ mất an ninh trật tự. Vào ngày thứ bảy và một số ngày trong tuần, tùy điều kiện cụ thể sẽ có chương trình ca nhạc phục vụ người dân. Ngoài một vài ban nhạc trẻ, đơn vị vận hành cũng liên hệ các nghệ sĩ sân khấu, cải lương để biểu diễn dịp cuối tuần.
Ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết trong quá trình giám sát chủ đề năm 2020 là năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, một số quận huyện đề xuất mở rộng phố đi bộ để tạo sự công bằng trong thụ hưởng văn hóa. Người dân ở Củ Chi, Cần Giờ hay gần hơn là Tân Phú, Bình Tân chạy đến phố đi bộ Nguyễn Huệ ở Q.1 chắc có khi chỉ đi một lần cho biết vì quá xa. Do đó, ông Phong đề nghị xem xét mở phố đi bộ theo cụm quận, huyện.
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, nhìn nhận việc mở rộng thêm phố đi bộ là cần thiết nhưng nếu nơi nào cũng chỉ có ẩm thực và mua sắm thì sẽ dẫn đến tình trạng “một màu” của các tuyến phố trong cùng TP. Các địa phương cần chủ động nghiên cứu đặc trưng của tuyến đường để tổ chức hoạt động văn hóa tạo ra bản sắc riêng đáp ứng nhu cầu của người dân bản xứ và thu hút khách du lịch. Như phố đi bộ Nguyễn Huệ, ông Lưu đánh giá hoạt động của tuyến phố này khá đơn điệu, người dân chỉ đến để đi dạo, hóng mát mà thiếu vắng hoạt động văn hóa đời thường. Đối với một không gian được đầu tư sạch đẹp, thoáng mát như đường Nguyễn Huệ, đơn vị vận hành chia phố đi bộ thành nhiều đoạn để tổ chức các chương trình ca nhạc, nghệ thuật biểu diễn luân phiên phục vụ các nhóm khán giả ở nhiều độ tuổi.
KTS Nguyễn Trường Lưu nhận định, đặc trưng của Sài Gòn - TP.HCM là đô thị sông nước, trong lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, người dân sinh sống bằng giao thương, buôn bán nên có thể phát triển phố đi bộ dọc theo các con sông và kênh. Theo thống kê, nếu quy hoạch đất hành lang khoảng 50 m từ mép sông vào hoặc 10 - 20 m đối với kênh thì sẽ có khoảng 32.000 ha đất bờ sông, bờ kênh có thể sử dụng làm không gian văn hóa. “Đây là tiềm năng mà các quận, huyện cần nghiên cứu để tạo nên không gian trên bến dưới thuyền với các điểm dừng chân tổ chức hoạt động văn hóa, ẩm thực”, ông Lưu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.