Im lặng nối dài của Next Media
Tối 6.12, dõi theo màn hình YouTube tường thuật trận Việt Nam - Lào trong khuôn khổ AFF Cup, công chúng chỉ thấy những đôi môi mấp máy của các cầu thủ. Không lời, cũng không một nốt nhạc Quốc ca của cả hai nước. Màn hình YouTube của Next Sports (Next Media) chạy dòng chữ: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị thông cảm”. Với bản tường thuật trên truyền hình, phần âm thanh này vẫn xuất hiện bình thường.
Gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng Quốc ca |
Nguyễn Đình Toán |
Nhưng không chỉ trận đấu này bị mất Quốc ca. Công ty BH Media, một đối tác của YouTube, cho biết còn nhiều trận đấu khác bị tắt tiếng chủ động. Theo phía BH Media: “Chúng tôi không rõ nguyên nhân vì sao đơn vị tiếp sóng các trận đấu trong khuôn khổ AFF Cup 2020 (trên nền tảng YouTube) chủ động tắt tiếng phần hát quốc ca mở đầu toàn bộ các trận đấu đã diễn ra giữa Singapore - Myanmar, Timor Leste - Thái Lan, Campuchia - Malaysia, và Việt Nam - Lào”.
Về vụ việc, luật sư Phan Vũ Tuấn (Công ty Luật Phan Law) cho rằng VTV có thể phát sóng mà không cần tắt tiếng Quốc ca vì không bị ảnh hưởng nếu chưa xin phép sử dụng bản ghi âm đó. “Theo quy định của điều 33, 34 luật Sở hữu trí tuệ thì VTV được cho phép sử dụng trước, sau đó mới xin phép và trả tiền, thậm chí không phải xin phép nữa. Còn YouTube thì không thuộc phạm vi phát sóng truyền hình, hơn nữa YouTube cũng có quy định riêng”, ông Tuấn nói thêm. Vì thế, theo ông Tuấn, việc chủ động tắt tiếng của Next Media là một “giải pháp phòng ngừa rủi ro” khi không biết bản ghi Quốc ca phát trên sân là bản nào, của ai, có được phép sử dụng không.
Thanh Niên đã liên lạc và gửi Next Media 3 câu hỏi: Có phải Next Media tắt tiếng Quốc ca trên YouTube vì sợ mất tiền từ việc phát trận đấu Việt Nam - Lào hay không? Có phải Next Media hiện đang tắt tiếng phần quốc ca của tất cả các trận thi đấu bóng đá trên kênh của mình hay không, và vì sao? Ngoài ra, cần biết kế hoạch giải quyết để có thể xem các trận đấu với đầy đủ âm thanh khi hát quốc ca. Tuy nhiên, Next Media đã không trả lời những câu hỏi này.
Các cầu thủ hát Quốc ca trong trận đấu Việt Nam - Lào |
chụp màn hình |
Lấp đầy khoảng trống văn bản quản lý và thực thi
Không phải đến bây giờ vấn đề quản lý Quốc ca mới được đặt ra. Thanh Niên từng đặt vấn đề này trong bài Muốn biểu diễn Quốc ca phải xin phép ai? hồi tháng 11 vừa qua. Bài viết đặt các câu hỏi pháp lý như một dàn nhạc nước ngoài muốn hòa tấu bản Tiến quân ca hay một bộ phim nước ngoài về Việt Nam muốn sử dụng bản Tiến quân ca, họ có phải xin phép hay không và xin phép ai, thủ tục thế nào? Một cuộc thi muốn đặt thêm lời mới trên nền nhạc Tiến quân ca liệu có được phép hay không và phải xin phép ra sao?... Bài báo cũng đặt vấn đề về việc phải có văn bản quy định cụ thể về việc sử dụng Quốc ca. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, PGS-TS Bùi Hoài Sơn thậm chí còn cho rằng quy định đó có thể cần xin ý kiến Quốc hội vì các vấn đề như Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca đều do cơ quan đại diện nhân dân này quyết định.
Về vụ việc, luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng: “Thông thường trước đây các hãng băng đĩa của nhà nước nhận nhiệm vụ chính trị là thực hiện các bản ghi âm. Ví dụ Sài Gòn Audio, Hồ Gươm Audio, Dihavina… là các đơn vị nhà nước. Họ sản xuất ra cho dân hát. Nhà nước giao và nhận nhiệm vụ chính trị, nhận tiền nhà nước để làm thì theo điều 46 luật Sở hữu trí tuệ bản ghi âm đó thuộc về nhà nước. Tôi cho rằng trước đây nhà nước cũng đã cho làm nhiều lần rồi, nhưng bây giờ có thể nó đã thuộc về tư nhân”.
Sau cuộc họp ngày 7.12, Bộ VH-TT-DL chỉ đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khẩn trương có văn bản gửi Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và Sportfive (đơn vị sở hữu bản quyền truyền thông của AFF Cup 2020, đối tác của AFF) để thông báo sự việc. VFF sẽ có trách nhiệm đề nghị AFF để tổ chức này đảm bảo sự cố vừa xảy ra sẽ không lặp lại trong các trận đấu tiếp theo của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020. VFF có trách nhiệm gửi bản ghi Quốc thiều, Quốc ca Việt Nam để sử dụng tại các trận đấu còn lại của giải. Được biết, bản ghi âm này đã được sử dụng khi Việt Nam đăng cai các đại hội thể thao, giải đấu quốc tế và không vi phạm bản quyền.
Nhật Duy
Luật sư Phạm Duy Khương (ASL Law) cho rằng việc có một khung văn bản bên cạnh “kho” bản ghi Quốc ca miễn phí cho người dân sử dụng là cần thiết. Theo đó, Bộ VH-TT-DL cần có quy định cụ thể về việc trong các nghi lễ nhà nước, ngoại giao, buổi lễ, các dịp thi đấu… sẽ sử dụng bản ghi âm Quốc ca như thế nào. Bản ghi mà nhà nước nắm quyền sở hữu gồm những gì, nhà nước cung cấp miễn phí cho người dân sử dụng ra sao… Từ đó, sẽ tránh được việc sử dụng bản ghi trái phép. Tất nhiên, việc sử dụng bản ghi an toàn về tác quyền cũng sẽ dẫn đến việc bài Quốc ca có thể vang lên trên mọi nền tảng một cách rõ ràng, hợp pháp.
Sáng 7.12, Bộ VH-TT-DL đưa ra quan điểm: yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam. Chiều 7.12, đã có một cuộc họp kỹ thuật diễn ra để bàn các vấn đề liên quan đến Quốc ca, làm thế nào để việc Quốc ca bị tắt tiếng không còn xảy ra nữa. Ngày 8.12, Bộ VH-TT-DL sẽ có thông tin về các bản ghi âm Tiến quân ca mà các đơn vị nghệ thuật trong Bộ đã thực hiện.
Bình luận (0)