Để sách giáo khoa đọng trong lòng người

02/10/2022 06:45 GMT+7

Sách giáo khoa mới đẹp hơn, cách tiếp cận được cho là tiên tiến, hiện đại hơn nhưng tại sao những bài học trong một số sách giáo khoa từ ngày xa xưa vẫn được đem ra so sánh và tiếc nhớ?

Trong hai ngày 28 - 29.9 vừa qua, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức trưng bày, giới thiệu về sách giáo khoa (SGK) Việt Nam qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách: 1956, 1976, 2002, 2020. Khu vực trưng bày những cuốn sách cũ kỹ, nhuốm màu thời gian, in trên nền giấy ố vàng lại là nơi thu hút người đến triển lãm hơn so với những nơi có hàng trăm cuốn sách in màu bóng đẹp, bắt mắt.

Các em học sinh rất thích thú khi đọc sách giáo khoa xưa tại buổi trưng bày, giới thiệu về sách giáo khoa Việt Nam qua các thời kỳ

TUỆ NGUYỄN

Không chỉ dạy chữ mà còn dạy người

Bà Chu Vân (52 tuổi), bồi hồi khi bất ngờ gặp lại những trang sách tuổi thơ, đặc biệt là sách học vần, tập đọc. Một trong những bài học vần đầu tiên của lớp 1 là hình ảnh con gà trống gáy sáng “ò ó o” quen thuộc với mỗi đứa trẻ nông thôn ngày ấy.

Bài tập đọc lớp 1, lớp 2 thời ấy cũng là những bài thơ, văn vẫn in đậm trong trí nhớ của thế hệ bà Vân đến tận bây giờ. “Mấy năm qua xem sách “cải cách” dạy tiếng Việt cho học sinh (HS) lớp 1 mà tôi không tin vào mắt mình, những bài đọc trúc trắc, xa lạ khó hiểu dù giấy đẹp, in màu cũng đẹp. Thắc mắc thì được giải thích là đổi mới dạy học nó phải thế, dạy tập đọc như ngày xưa lạc hậu rồi. Nghe thế thì biết thế chứ tôi vẫn không thấy “tâm phục, khẩu phục vì đổi mới thế nào thì cũng phải chọn những gì dễ hiểu nhất, đẹp đẽ, trong trẻo nhất dạy cho trẻ con chứ” bà Vân tâm sự.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không phải vì họ từng học SGK cũ nên hoài niệm mà khi dạy con, cháu mình học SGK mới, cũng là học đọc, học viết tiếng mẹ đẻ thôi mà họ thực sự không hiểu nổi tại sao lại đưa vào những từ ngữ, bài đọc ngô nghê, thậm chí phản giáo dục, kích động bạo lực như vậy.

Một độc giả Báo Thanh Niên cũng bình luận về cuộc trưng bày SGK qua các thời kỳ: “Những bài tập đọc, học vần ngày xưa rất hay. Không chỉ dạy chữ mà còn thực sự dạy người, do vậy dù trải qua bao nhiêu năm nó vẫn đọng trong lòng người học về nội dung mang tính giáo dục cách sống, tình yêu thương, tạo con người hồn nhiên trong sáng từ mái trường, đến gia đình, xã hội. Nhắm mắt trải qua bao thời gian từng câu văn, bài đọc vẫn làm người ta nhớ như ngày nào còn dưới mái trường nghe thầy cô dạy”…

Người lớn tuổi đã đành, họ nhìn thấy những trang sách thân thương gắn với tuổi thơ. Nhiều HS đang học SGK mới được đưa đến dự buổi trưng bày này cũng nấn ná mãi ở các khu vực trưng bày sách mà thời ông bà, bố mẹ các em từng học. Nhiều HS Trường THCS Nguyễn Du (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) háo hức, tò mò lật giở từng trang sách mà ngay cả các tên sách cũng lạ lẫm với các em bây giờ. Tuy nhiên, khi đọc những bài tập đọc, học vần trong SGK ngày xưa các em cũng thấy rất "dễ thương", ngắn gọn, dễ hiểu và đọc một lần đã nhớ ngay. Hùng, một HS lớp 6 của trường này, bảo em vừa đọc trong sách tập đọc in cách đây gần 50 năm có bài giúp bà rất hay, đọc xong nhớ ngay: “Mẹ em cấy lúa, trồng cây/Bà em đeo kính ngồi may ở nhà/Nên em không chạy chơi xa/Để còn thỉnh thoảng giúp bà xâu kim”.

Sách giáo khoa trước đây với nhiều bài học khắc ghi trong lòng bao thế hệ

TUỆ NGUYỄN

Biên soạn SGK ngày xưa bởi những ban tu thư

Theo tư liệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới cung cấp, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến tháng 7.1950, Hội đồng Chính phủ thông qua đề án cải cách giáo dục với mục tiêu loại bỏ nền giáo dục thực dân, xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân dân. Để biên soạn SGK, Bộ Giáo dục khi ấy thành lập trại tu thư tại Phú Thọ để viết sách, Tổng bí thư T.Ư Đảng Trường Chinh đến tận nơi để quán triệt việc biên soạn SGK. Đây là thời kỳ ngành giáo dục đã đạt được những thành quả, tiền đề đầu tiên trong việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK của nền giáo dục cách mạng.

Cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2 diễn ra trong giai đoạn 1956 - 1975 tại miền Bắc. Để xuất bản SGK, ngày 1.6.1957, Nhà xuất bản Giáo dục được Bộ Giáo dục thành lập, được coi như một phòng của Bộ nhưng đồng thời lại được hoạt động dưới hình thức “một doanh nghiệp quốc gia”. Việc biên soạn, biên tập SGK giai đoạn này được Ban Tu thư của Bộ Giáo dục trực tiếp thực hiện giai đoạn đầu cũng cho thấy Bộ Giáo dục hết sức thận trọng trong các công việc này, bởi đó là những việc quyết định nội dung, tư tưởng, chất lượng của SGK, cũng cho thấy vai trò của SGK được xác định hết sức quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục. Việc tổ chức biên soạn, biên tập SGK do Bộ Giáo dục trực tiếp thực hiện, Nhà xuất bản Giáo dục lúc đó chỉ là đơn vị tiếp nhận bản mẫu, in ấn phát hành rồi sau đó mới hình thành bộ phận biên tập để đáp ứng nhiệm vụ của Bộ giao về việc xuất bản SGK.

Đến năm 1972, khi có Chỉ thị của T.Ư về việc “chi viện cho B về giáo dục”, Bộ Giáo dục quyết định thành lập ban chương trình và SGK B (trại sách B) trực thuộc Bộ. Từ năm 1973 - 1975, Trại sách B, trong đó có sự tham gia của Nhà xuất bản Giáo dục đã tổ chức biên soạn bộ SGK mang tên “Nhà xuất bản Giáo dục giải phóng”.

Lần thay sách tiếp theo là giai đoạn 1976 - 2000. Sau năm 1975, với chủ trương chuẩn bị cải cách giáo dục theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 4.12.1975, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định giao Bộ Giáo dục nhiệm vụ tổ chức biên soạn SGK và sách hướng dẫn giảng dạy các bộ môn theo chương trình cải cách giáo dục cho tất cả các lớp từ vỡ lòng đến hết cấp phổ thông trung học. Đây được xem là việc cấp bách nhằm thống nhất hai hệ thống giáo dục ở hai miền Bắc - Nam.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi đó là bà Nguyễn Thị Bình đã quyết định tách Nhà xuất bản Giáo dục ra khỏi Bộ Giáo dục. Qua nhiều khâu chuẩn bị, sau một thời gian khá dài, tới năm học 1981 - 1982 mới thực hiện được việc thay sách cải cách giáo dục ở lớp 1 trên toàn quốc. Bên cạnh những thành công thì SGK thời này đặt ra nhiều vấn đề gay cấn, gây ra những cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều khi đưa vào những bài toán “sao” (toán nâng cao - NV), việc trích dùng thơ văn của sách học vần, nhất là vấn đề về kiểu chữ viết trong sách tập viết.

Nhận thấy việc biên soạn SGK nhiều khó khăn, không đơn giản, cần có sự chỉ đạo tập trung và trực tiếp, Bộ Giáo dục đã ra quyết định về thành lập trại biên soạn sách cải cách giáo dục; bổ sung cán bộ, thành lập ban phụ trách mới của trại… Trong những năm 1981 - 1988, Nhà xuất bản Giáo dục đã tiếp nhận chương trình do Viện Khoa học giáo dục xây dựng, căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch biên soạn SGK trình Bộ phê duyệt, đề nghị danh sách tác giả trình Bộ duyệt, tổ chức biên soạn bản thảo, đảm nhiệm các chi phí biên soạn.

Lần thay sách thứ ba là giai đoạn 2002 - 2008 còn gọi là SGK theo “Chương trình 2000”. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện việc biên soạn và xuất bản SGK theo hình thức cuốn chiếu. SGK theo chương trình 2000 được đổi sang khổ to 17 x 24 cm, sách tiểu học được in 4 màu.

Sách lần này khổ to, giấy đẹp, 4 màu, nhưng…

Lần thay sách thứ tư, theo Chương trình Giáo dục phổ thông ban hành năm 2018, thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, bỏ độc quyền xuất bản SGK. Không chỉ Nhà xuất bản Giáo dục, đã có 6/7 nhà xuất bản được phép xuất bản SGK tham gia vào lĩnh vực này. Cho rằng để tiệm cận với các nước phát triển, khổ SGK được điều chỉnh từ khổ 17 x 24 cm lên khổ lớn hơn là 19 x 26,5 cm. Không chỉ SGK tiểu học mà hầu hết SGK các lớp đều được in màu.

Lần đầu tiên trong 4 lần thay sách, Bộ GD-ĐT đứng ngoài cuộc trong việc biên soạn SGK với lý do không tìm được đủ tác giả và để việc cạnh tranh của nhiều bộ SGK khách quan hơn. Dù có nhiều bộ SGK nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm ở khâu cuối cùng là tổ chức hội đồng thẩm định và phê duyệt từng cuốn SGK trước khi cho xuất bản và lựa chọn ở các cơ sở giáo dục.

Bộ GD-ĐT: Chưa nhìn nhận thấu đáo các khía cạnh khác của xã hội

Bộ GD-ĐT mới đây đã chỉ ra một loạt những hạn chế trong bản mẫu SGK mới, trong đó ngữ liệu, hình ảnh được sử dụng trong một số SGK còn chưa được chọn lọc, tinh giản, một số hình ảnh chưa được gia công tập trung và nội dung chính cần biểu đạt, còn hạn chế trong bố cục; khai thác ngữ liệu, văn bản, hình ảnh ở các hoạt động còn chưa sâu sắc, hiệu quả. Yêu cầu về việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn còn chưa được thể hiện rõ ràng…

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cũng chỉ ra rằng, không chỉ bản mẫu, SGK ban hành rồi đâu đó vẫn có “sạn”, một phần do hạn chế trong việc hình ảnh, ngữ liệu đưa vào SGK đang quá chú trọng đáp ứng đến yêu cầu cần đạt của chương trình trong khi những khía cạnh khác của xã hội thì chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thì nhấn mạnh dù thay đổi thế nào, SGK vẫn phải là “khuôn vàng thước ngọc”. Do đó, trong tất cả các khâu, từ biên soạn, thẩm định, thực nghiệm… và phát hành, SGK phải bảo đảm chất lượng, chuẩn mực cao nhất.

Quy định tưởng như chặt chẽ nhưng SGK vừa đưa vào sử dụng đã gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt là sách tiếng Việt ngay năm đầu đưa vào sử dụng đã gây phản ứng gay gắt trong dư luận về việc sử dụng từ ngữ, ngữ liệu của một số cuốn sách, trong đó nổi lên là cuốn tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều. Nhiều bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu, hoặc xa lạ với trẻ, không có tính giáo dục, khiến Bộ GD-ĐT phải yêu cầu nhà xuất bản có SGK này tiếp thu, chỉnh sửa. Rất nhiều từ ngữ, ngữ liệu trong cuốn SGK này vừa mới đưa vào cũng đã phải thay thế, điều chỉnh.

Sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018

đào ngọc thạch

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và văn hóa phương Đông, cho biết ông ngạc nhiên khi thấy không chỉ một mà những sách tiếng Việt 1 mới khác cũng có lỗi dù cuốn nhiều, cuốn ít và có những lỗi lặp lại. Chứng tỏ, đây là lỗi ở cấp vĩ mô. Ông Đạt đề nghị Bộ GD-ĐT xem lại vấn đề tổ chức và cách thẩm định phê duyệt SGK. Bởi những lỗi rất dễ nhìn thấy, không cần có chuyên môn về ngôn ngữ cũng dễ phát hiện ra. Vậy mà tại sao lại vẫn lọt qua bao nhiêu vòng xét duyệt?

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng nếu ai có kiến thức vỡ lòng về giáo dục học thì đều hiểu dạy cái gì, dạy thế nào, sử dụng phương pháp nào thì cuối cùng cũng phải nhằm mục đích phát triển con người, nghĩa là phải làm cho người học xã hội hóa được cá nhân, nâng tầm bản thân cả về thể chất, trí tuệ, tâm hồn. Vì thế, các giáo tài đưa vào SGK phải được lựa chọn rất thận trọng để đảm bảo tính thẩm mỹ và tính sư phạm. Từng câu, từng chữ đầu đời sẽ tác động rất lớn đến tâm hồn HS. Những nội dung của giáo tài được khéo léo sử dụng để huấn luyện cho HS kỹ năng, truyền đạt cho HS tri thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.