Đê sông Bùi đã an toàn

31/07/2018 08:48 GMT+7

Qua một đêm căng thẳng túc trực, đê sông Bùi vẫn an toàn do Hòa Bình mưa không lớn. Hiện nay áp lực lên đê đã được giải tỏa, nhưng tình trạng ngập úng dự kiến sẽ còn kéo dài cả tháng.

Cập nhật từ hiện trường lúc 0 giờ 21 phút ngày 31.7, ông Đỗ Đức Thịnh cho biết đang có mặt ở đê Bùi lúc 12 giờ và nước sông đang xuống chậm, rút 4 cm so với lúc 19 giờ ngày 30.7. Bản tin dự báo khí tượng thủy văn cũng cho biết nước sông Bùi sẽ duy trì đà xuống chậm và sẽ đạt mức 7,3 m tại Yên Duyệt, nên “có thể yên tâm”.
[VIDEO] Lũ tràn đê, hàng chục hộ dân phải sơ tán trong đêm
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên lúc 11 giờ 30 phút ngày 30.7, Phó chánh văn phòng huyện Chương Mỹ Trịnh Viết Quang cho biết huyện đang trực 100% quân số. Tại thời điểm đó, bộ đội và người dân địa phương đã hoàn thành việc đắp đê cao thêm 5 cm và khu vực Chương Mỹ không có mưa. Tuy nhiên, tâm trạng những người trực hộ đê vẫn khá căng thẳng khi quan sát tại khu vực phía tây Hà Nội có mưa và sấm chớp.
“Với chúng tôi, mưa ở Chương Mỹ không đáng lo bằng mưa ở thượng nguồn, đặc biệt phía Hòa Bình, nên mọi người vẫn chờ đợi diễn biến”, ông Quang cho biết.
Đến sáng 31.7, dù chưa có báo cáo tổng hợp, nhưng ông Quang cho biết đêm qua một số hộ ở các xã Xuân Tiên, Nam Xuân Tiến, phải di chuyển từ chỗ thấp lên chỗ cao để đảm bảo an toàn, nhưng chưa phải di dời người dân ra khỏi khu vực.
Nước ngập tại bên hữu sông Bùi ngày 30.7 Ảnh: QP

Trao đổi về tình hình sáng nay, Chánh văn phòng Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Đỗ Đức Thịnh nhẹ nhõm báo tin: Đê an toàn!
“Đêm qua, rất may, nước không lên mà có xu hướng xuống chậm. Đến sáng 31.7, mực nước đang là 7,35 – 7,37 m, tình hình đang khả quan hơn. Dù Hòa Bình có mưa, nhưng không mưa to nên không gây sức ép lên sông Bùi, giải tỏa được áp lực lên đê. Sông Bùi vẫn an toàn”, ông Thịnh trao đổi chi tiết thêm.
Tuy vậy, tình trạng ngập lụt sẽ tiếp tục kéo dài.
“Tùy thuộc vào mực nước sông Đáy. Sáng nay, mực nước đã xuống dưới báo động 2. Nếu nước sông Đáy xuống nhanh thì nước sông Bùi cũng sẽ thoát ra nhanh. Nếu vẫn mưa và nước sông Đáy vẫn duy trì trên báo động 1 lâu thì có thể phải 3 tuần đến 1 tháng nước mới rút đi được”, ông Thịnh cho biết thêm. Hiện nay phương án giúp giảm ngập úng trong tình huống này và giúp người dân ổn định cuộc sống chưa được Hà Nội tiết lộ.
[VIDEO] Đường ngoại ô Hà Nội thành dòng sông
Sự cố tràn đê ở Quốc Oai được khắc phục tạm thời Ảnh: Phan Hậu

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ của Bộ tư lệnh Quân khu thủ đô Hà Nội, cho biết tại xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) trong đêm qua vẫn có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trực, sẵn sàng can thiệt khi có sự cố. Nhưng cho đến sáng nay, mực nước sông Bùi tại đây bắt đầu rút được khoảng 25 cm.
Còn tại khu vực đê xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, trung tá Nguyễn Đỗ Tùng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện cho biết, cho đến sáng nay lũ đã rút được khoảng 20 cm. Sự cố tràn đê ở đây vẫn đang trong khả năng kiểm soát. “Nếu từ giờ đến chiều lũ vẫn tiếp tục rút thì sẽ huy động lực lượng vá lại toàn bộ các điểm bị tràn”, trung tá Tùng nói.
Theo thông tin từ huyện Chương Mỹ, đoạn đê yếu nhất sông Bùi chạy từ thôn Trung Hòa đến thôn Kim Nê (xã Thanh Bình) dài khoảng 3,5 km, cách trung tâm nội thành Hà Nội khoảng 40 km. Mặc dù địa phương đã tổ chức gia cố đê từ 22.7 khi nước lên cao, nhưng đêm 30.7, rạng sáng 31.7 tiếp tục phải huy động công an, quân đội, người dân gia cố đoạn 3,5 km này.
Sông Bùi có chiều dài 91 km, bắt nguồn từ xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, chảy qua Hà Nội và cùng với sông Tích hợp lưu vào sông Đáy tại xã Phúc Lâm, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Đê tả Bùi có chiều dài 14,5 km, chạy từ km K0+000 đến km K14+566.
Đê hữu Bùi có chiều dài khoảng 18,6 km và hệ thống bờ bao hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ có tác dụng ngăn lũ nội tại sông Bùi và lũ rừng ngang từ núi Hòa Bình chuyển về, nhiệm vụ của các tuyến đê bảo vệ cho nhân dân của 9 xã thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ gồm: Xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Tốt Động, Mỹ Lương, Hồng Phong, Đồng Lạc.
Do yêu cầu phân chậm lũ trước đây (theo Nghị định 62/1999 của Chính phủ) nên khu vực hữu Bùi được xác định là vùng ngập lụt khi phân lũ sông Hồng vào sông Đáy để bảo vệ nội thành Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.