Để sống xanh bền vững

12/09/2018 09:14 GMT+7

Nghe thấy bạn bè 'sống xanh', một bạn trẻ vứt bỏ gần hết đồ đạc, quần áo, vật dụng cá nhân của mình để mua những sản phẩm thân thiện với môi trường. Như vậy là sống xanh bền vững, hay chạy theo phong trào?

Trần Thu Hiền, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, chia sẻ: “Đọc thông tin về những đồ sống xanh được quảng cáo, tôi cũng muốn mua. Tuy nhiên, nghĩ lại, tôi đã có những đồ tương tự. Nếu mua mà không dùng thường xuyên sẽ rất lãng phí”. Theo Hiền, một số bạn trẻ chưa hiểu hết về tính năng cũng như độ thân thiện của các loại cốc giấy, ống hút cỏ bàng, nhiều khi chỉ mua theo đám đông, có khi bỏ xó sau một vài lần. Như vậy vừa lãng phí, vừa không tốt với môi trường xung quanh.

Lưu Quang Thành (21 tuổi), điều phối viên miền Nam của Tổ chức 2030 Youth Force Vietnam, cựu Chủ nhiệm Tổ chức Green For Children, cho hay quãng thời gian làm cho cửa hàng chuyên sản xuất cỏ bàng tại miền Nam, anh được biết cây cỏ bàng phải 1 - 2 năm mới có thể thu hoạch, những chiếc ống hút cỏ này lại được sử dụng chỉ một lần. Anh Thành nhận thấy nhiều bạn hiện có xu hướng chuyển từ nhựa sang giấy hoặc sử dụng ống hút tre, cỏ bàng… một cách vô tội vạ và cho rằng đó là sống xanh. Theo anh, đây là sai lầm. “Nếu thật sự không cần thiết, mọi người cũng không nên sử dụng ống hút cỏ bàng. Thêm nữa, về cốc giấy, thật ra cũng có một lớp ni lông nhỏ ở phía trong, quá trình xử lý cốc giấy cũng tốn kém nên đó không hẳn là một sản phẩm thân thiện môi trường”, Thành nói thêm.
Chị Hoàng Thị Hường (21 tuổi), thành viên Tổ chức Go Green và Green Lady, nói: “Khi bắt đầu một lối sống xanh, bạn nên nghĩ về việc làm sao để hạn chế rác thải nhất có thể. Nếu bạn đang sử dụng một vật nhưng vì trào lưu mà quăng đi để thay thế một sản phẩm xanh hơn thì như vậy là đang làm gia tăng lượng rác thải”. Theo chị Hường, cũng không nên quá cực đoan với chính mình, nên hạn chế càng ít túi ni lông càng tốt, nếu đã lỡ sử dụng một chiếc túi ni lông, bạn có thể nghĩ đến việc sử dụng lại hoặc tái chế thành gạch sinh thái hay những sản phẩm khác.
Anh Phan Kỳ Trung (23 tuổi), làm việc tại Trường ĐH Cần Thơ, gợi ý: “Bạn trẻ nên tìm hiểu, biết nhiều thông tin hơn về việc tái chế, tái sử dụng và thông tin về các vật dụng thân thiện với môi trường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.