Vấn đề trên thật ra không mới! Đây là câu hỏi mà nhiều nền bóng đá trên thế giới cũng đã và đang kiên trì đi tìm lời giải. Nhưng đến nay, dường như chưa có mô hình nào là “chuẩn” để chúng ta học tập hay bê nguyên xi áp dụng vào thực tế tại Việt Nam.
Người ta từng xem bóng đá Đức như là hình mẫu lý tưởng vì Bundesliga sản sinh ra nhiều cầu thủ trẻ tài năng. Những tên tuổi như Manuel Neuer, Tony Kroos, Mats Hummels rồi sau này là Draxler, Kimmich... từng tỏa sáng tại Bundesliga trước khi tiếp tục khoác áo những CLB lớn. Họ cũng trở thành trụ cột của tuyển Đức tại các sân chơi lớn như World Cup hay EURO. Nhưng tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ thì phải chấp nhận đánh đổi sự giảm sút về thành tích ở cấp CLB hay vị thế giải vô địch quốc gia bị ảnh hưởng. Cho nên dù là thiên đường của những tài năng trẻ nhưng Bundesliga chưa thể sánh ngang hàng với Premier League hay La Liga, kể cả Serie A trong khuôn khổ 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu.
Những nhà quản lý bóng đá Việt Nam không phải không thấy những giải pháp mà Đức hay một số nước áp dụng, thậm chí họ từng áp dụng một số quy định như vận hành giải trẻ thuộc đội hình hai song song với V-League, hay quy định các CLB sử dụng 2 cầu thủ trẻ U.23 trong một trận đấu... Tuy nhiên, trong thời buổi kim tiền, bóng đá sống bằng nguồn tiền của các ông chủ thì việc buộc các CLB hay HLV sử dụng cầu thủ trẻ là sự khiên cưỡng, khó khả thi.
Đầu tư vào bóng đá thì sử dụng nhân sự ra sao, vận hành đội bóng như thế nào để gặt hái thành tích là quyền của giới chủ nên khó trách họ có những quyết định cục bộ, có lúc “quay lưng” với cầu thủ trẻ.
Tuy nhiên, giới chủ các đội bóng mà có trách nhiệm với bóng đá nước nhà sẽ tiếp cận vấn đề theo cách khác. Trong khi bóng đá Việt Nam còn chưa mạnh thì họ chắc chắn không lạm dụng việc mua sắm “hàng ngoại” mà chú trọng tới việc xây dựng các tuyến trẻ. Họ xem đó như nguồn cầu thủ chính để tạo nên sự phát triển căn cơ cho CLB. Về lâu dài, chính CLB sẽ là bệ phóng nâng tầm cho nền bóng đá quốc gia.
Nếu một HLV thật sự quan tâm đến tương lai bóng đá nước nhà thì ông ta sẽ mở rộng diện tuyển chọn cầu thủ, tạo điều kiện tối đa cho những tài năng trẻ có cơ hội ra sân. Ngược lại, một HLV chỉ lo cho chiếc ghế của mình thì ông ta chỉ sử dụng những con người phục vụ cho ý đồ thỏa mãn thành tích cá nhân. Khi đó thật khó có hy vọng gì cho những nhân tố trẻ.
Lạc quan mà nói, việc năng lực của các cầu thủ U.23 Việt Nam vừa được “phát lộ” sẽ là bảo chứng thúc đẩy HLV của CLB trong nước có cơ sở để thường xuyên sử dụng họ tại V-League - giải đấu cao nhất Việt Nam.
Ngược lại các cầu thủ trẻ nên hiểu rằng, không ai có thể “bảo bọc” rồi trao cho họ chỗ đứng trên sân cỏ. Chính họ phải tự lực cánh sinh, chăm chỉ rèn luyện, kiên trì mục tiêu, phấn đấu cạnh tranh sòng phẳng để khẳng định bản thân.
Thành ra giải pháp để phát huy phẩm chất, tài năng các thế hệ cầu thủ trẻ nằm ở tư duy phát triển bóng đá của các nhà quản lý, tư duy làm bóng đá của giới chủ và HLV, cùng tư duy theo đuổi mục tiêu chơi bóng của chính các cầu thủ.
Khi đã tiếp cận vấn đề thật sự trách nhiệm thì khó mấy, tự khắc người ta cũng sẽ tìm ra được giải pháp khả thi cho các thế hệ cầu thủ Việt Nam phát huy năng lực, chứ không riêng gì lứa cầu thủ trẻ hiện tại.
Bình luận (0)