Ở phần yêu cầu viết nghị luận xã hội của đề tham khảo có nội dung: "Hiện nay, nhiều người đón nhận lợi ích của trí tuệ nhân tạo nhưng không ít người lo lắng về sự phụ thuộc của con người vào nó. Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề trên".
Có ý kiến giáo viên cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) là vấn đề đã được đề cập trong 2 bộ sách giáo khoa (SGK) Kết nối trí thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Như vậy, phải chăng là Bộ GD-ĐT đã sử dụng ngữ liệu trong SGK đưa vào đề thi?
LUẬN ĐỀ KHÁC VỚI NGỮ LIỆU
Giáo viên (GV) Lê Hải Minh, dạy ngữ văn tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho rằng đề tham khảo vẫn đảm bảo được quy định không sử dụng ngữ liệu trong SGK.
Thầy Hải Minh nói không sử dụng ngữ liệu trong SGK có nghĩa là không được trích lại ngữ liệu đó và yêu cầu học sinh (HS) làm các câu hỏi đọc hiểu hoặc viết về nội dung, nghệ thuật trong chính ngữ liệu đó, vì như vậy sẽ không đúng tinh thần của chương trình ngữ văn 2018. Đề tham khảo yêu cầu viết bài nghị luận về các chủ đề được giảng dạy chứ không phải lấy ngữ liệu trong SGK nên không sai chủ trương.
"Đề yêu cầu HS viết về trí tuệ nhân tạo. Và đó là vấn đề quen thuộc, gần gũi với HS, giữa nhiều vấn đề, lấy một vấn đề mang tính thời sự để yêu cầu HS viết", GV trên nhìn nhận.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: "Đây là một cách nghĩ rất sai lầm do GV không phân biệt được 2 khái niệm cơ bản là "ngữ liệu" và "vấn đề nghị luận/luận đề".
Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ ra rằng trong chương trình ngữ văn nêu rõ một trong những yêu cầu cần đạt của lớp 12 là viết được văn bản nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ. Trí tuệ nhân tạo là một vấn đề quan trọng đối với HS lớp 12 và từ vấn đề này có thể hình thành một số vấn đề phái sinh khác (thách thức nghề nghiệp tương lai khi trí tuệ nhân tạo phát triển, lợi và hại của việc sử dụng tính năng của trí tuệ nhân tạo trong xử lý công việc, ảnh hưởng của cuộc sống công nghệ đối với gia đình…).
Vì vậy, theo thạc sĩ Khôi, tùy theo lựa chọn và hướng khai thác của người ra đề thi, vấn đề này hoàn toàn có thể xuất hiện, thậm chí xuất hiện nhiều lần, ngay cả trong đề thi tốt nghiệp THPT chính thức.
KHÔNG CÔNG BẰNG VỚI HỌC SINH HỌC BỘ SÁCH KHÁC ?
Ở chiều ngược lại, bà Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), cho rằng Công văn 3935 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025 của Bộ GD-ĐT yêu cầu đối với môn ngữ văn là không sử dụng ngữ liệu trong SGK làm ngữ liệu trong kiểm tra đánh giá, trong kiểm tra định kỳ. Điều này có nghĩa ngữ liệu trong đề cả phần kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết đều không được có trong 3 bộ SGK hiện hành.
Vì thế, GV Trường THPT Trưng Vương cho rằng nếu phần kiểm tra đánh giá năng lực viết, phần có số điểm cao, mà vấn đề nghị luận đã có trong các văn bản HS được học trong các bộ SGK là chưa thể hiện đầy đủ tinh thần "không sử dụng ngữ liệu trong SGK". Chưa kể đến việc sẽ là không công bằng với HS học bộ sách không có các văn bản liên quan.
Bà Hạnh Nguyên cho hay: "Đã là quy định thì cần thực hiện đúng trong toàn bộ các phần của đề chứ không chỉ là ngữ liệu dành cho phần đọc hiểu".
Đồng quan điểm, nhà giáo Đào Đình Tuấn nhận định bài viết nghị luận xã hội (4 điểm) trong đề thi tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GD-ĐT công bố mới đây về đề tài trí tuệ nhân tạo là đề tài nằm trong SGK ngữ văn lớp 11 tập 2 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống trang 71, 72, 73, 74 và trang 79. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng là nội dung của SGK ngữ văn lớp 11 tập 1 của bộ sách Chân trời sáng tạo trang 44, 45 với tựa đề "Công nghệ AI của hiện tại và tương lai".
Trong khi đó, theo thầy Tuấn, đề thi tham khảo (năm 2023) cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có bài viết nghị luận xã hội (4 điểm) "Cuộc sống thường có những khó khăn, thử thách; đối mặt hay bỏ cuộc là lựa chọn của mỗi người" không có trong bất cứ SGK ngữ văn nào. Như vậy, với đề tham khảo mới đây, Bộ GD-ĐT có tuân thủ đúng quy định không sử dụng ngữ liệu trong SGK?
Cách ôn tập với đề minh họa môn văn
HS khối 12 xác định cách học và ôn luyện như thế nào để phù hợp với cách ra đề theo hướng mới và đạt kết quả tốt nhất?
Thay đổi cách học từ trang bị kiến thức bài học, chương trình sang chú trọng rèn luyện kỹ năng làm bài. Đó là kỹ năng đọc hiểu văn bản, viết đoạn văn và viết bài văn nghị luận xã hội.
Với phần đọc hiểu văn bản (4 điểm), HS cần nắm thật vững về các thể loại văn bản gồm thơ, truyện, ký (tùy bút, bút ký, tản văn), văn bản kịch, nghị luận... đã học suốt các năm ở THPT, thậm chí ở THCS, trong đó bám sát chương trình lớp 12. Khi học đến thể loại nào, HS nên có bản hệ thống toàn bộ đặc trưng tri thức ngữ văn của thể loại ấy. Bên cạnh đó, cần nắm vững các kiến thức về tiếng Việt (thực hành tiếng Việt chương trình lớp 12), nắm vững kiến thức và rèn luyện cách làm bài về câu hỏi liên quan đến biện pháp tu từ...
Tăng cường rèn luyện kỹ năng viết đoạn nghị luận văn học (2 điểm). Với câu nghị luận xã hội (4 điểm), lời khuyên với HS là nên có nhiều cách định hướng rèn luyện kỹ năng về kiểu bài nghị luận xã hội nói chung, bám sát tri thức kiểu bài và cách làm nghị luận xã hội ở chương trình lớp 12, trong phần viết.
Ngoài ra, khi luyện tập, cần chú ý cách yêu cầu rất mới trong từng câu hỏi của đề minh họa và hướng dẫn cách trả lời của đáp án chấm.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)